UAV Ukraine tấn công căn cứ không quân Nga lần thứ hai
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, “vào khoảng 01h35 phút rạng sáng ngày 26/12, một máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã bị bắn hạ ở độ cao thấp khi đang tiếp cận sân bay quân sự Engels ở khu vực Saratov”. Theo Bộ Quốc phòng, do bị trúng các mảnh xác chiếc UAV, 3 nhân viên kỹ thuật quân sự Nga đã thiệt mạng. Thiết bị hàng không không bị hư hại.
Đây là vụ tấn công thứ hai nhằm vào các sân bay chiến lược của Nga trong vòng một tháng qua. Cần lưu ý là tại sân bay ở Engels, cũng như ở Diaghilevo, các máy bay ném bom chiến lược hàng không tầm xa của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vẫn đang hoạt động.
Về phía Ukraine, các cuộc tấn công như vậy nhằm một số mục đích sau: Đầu tiên là gây ra hiệu ứng mất tinh thần ở Nga, dù sẽ không đem lại hiệu quả nhiều cho Kyiv. Thứ hai là để chứng minh cho các đồng minh phương Tây rằng, Ukraine đã đạt được một số kết quả quân sự quan trọng. Thứ ba là thăm dò khả năng phòng thủ của Nga để phục vụ cho lợi ích của NATO.
Chuyên gia phòng không Nga Yuri Knutov cho biết: “Những vụ tấn công như vậy dù chỉ đơn lẻ bởi một chiếc UAV cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng do có nhiều thiết bị quân sự nhạy cảm đặt tại căn cứ không quân Engels”.
Lưu ý là gần đây, Ukraine tuyên bố đã phát triển một mẫu UAV mới với đầu đạn nặng 75 kg và tầm bắn lên tới 1.000 km đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Mặc dù phía Ukraine không tiết lộ bất kỳ chi tiết về mẫu UAV này, nhưng người Nga nghi ngờ Ukraine có thể đang cải biến từ nguyên mẫu chiếc Tu-141 Swift nổi tiếng với sự trợ giúp của Mỹ hoặc Anh.
Chuyên gia Yuri Knutov chỉ ra rằng, chiếc Tu-141 Swift bay ở độ cao cực thấp sẽ khiến việc phát hiện ra nó trở nên khó khăn, đặc biệt khi chỉ có một UAV duy nhất chứ không phải một “đàn”. Điều này không chỉ gây khó cho lực lượng phòng không của Nga mà ngay cả lực lượng phòng không của các nước NATO cũng khó xoay sở.
Sự cố xảy ra hồi tháng 3 vừa qua là một ví dụ điển hình nhất, khi hệ thống phòng không của NATO đã không hề phát hiện ra chiếc Tu-141 Swift được phóng từ Ukraine, đã bay qua một số quốc gia NATO trước khi rơi xuống thủ đô Zagreb của Croatia, và gây ra một vụ nổ lớn.
Theo the guardian, “chiếc máy bay quân sự không người lái” đã đi vào không phận Croatia sau khi bay qua nước láng giềng Hungary với tốc độ 700km/h và ở độ cao 1.300 mét”. “Chiếc máy bay không người lái lớn đã bay ít nhất 350 dặm (560km) dường như không bị phát hiện bởi hệ thống phòng không ở Croatia, Hungary và Romania, tất cả đều là thành viên của liên minh quân sự phương Tây”.
Như vậy có thể thấy, việc đối phó với một chiếc UAV nhỏ bé là khá nan giải đối với hệ thống phòng không của bất kỳ quốc gia nào. Tiến sĩ Khoa học Quân sự Konstantin Sivkov đề xuất rằng, lực lượng Nga cần phải tái thiết lập một trường radar chính thức trên toàn quốc, vốn đã hoạt động tốt từ thời Liên Xô. Điều này sẽ giúp Nga có thể phát hiện và bắn hạ UAV của đối phương ngay cả ở khoảng cách xa.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, thì quá trình khôi phục trường radar là vô cùng khó khăn – cần phải lắp đặt một số lượng lớn các trạm radar. Điều quan trọng là Nga đã nghiên cứu và chế tạo thành công tổ hợp radar mới 117Zh6 RLK-MC Valdai, nhằm chống lại các UAV cỡ nhỏ. Tuy nhiên tổ hợp radar mới này dù đã vượt qua tất cả các vòng kiểm tra, thử nghiệm cần thiết, nhưng lại cần phải có thời gian để sản xuất và đưa chúng vào sử dụng.
Theo giới quan sát nhận định, cuộc tấn công thứ hai vào căn cứ không quân Engels có vẻ như là một nỗ lực PR của Lực lượng Vũ trang Ukraine nhằm gây áp lực lên dư luận xã hội Nga, khi tình thế trên chiến trường của nước này đang trở nên vô vọng.
Trong thời điểm chờ vũ khí viện trợ của Mỹ tới, chính quyền Kyiv đang ngày càng trở nên bị kích động bởi các cuộc tấn công khiêu khích nguy hiểm. Tuy nhiên sau mỗi lần như vậy, người Nga lại có cớ để sử dụng các biện pháp trả đũa với mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng.
Việc trông chờ hoàn toàn vào viện trợ tài chính và vũ khí nước ngoài càng cho thấy, chính quyền Tổng thống Zelensky ngày càng trở nên lệ thuộc hơn. Tuy nhiên vũ khí Mỹ không phải là ‘thần dược’ trong mọi cuộc chiến, bởi nói theo cách của Tổng thống Putin, người Nga đang tìm ra cách “giải độc” Patriot như họ đã thành công trong việc vô hiệu hóa hệ thống HIMARS như thế nào.
Có thể bạn quan tâm: