Kết thúc dự án nghiên cứu, đàn bò tót 11 con ở Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái) bị “bỏ rơi” khiến chúng đói trơ xương, cơ thể suy kiệt.

Trại khảo nghiệm Phước Bình nuôi 11 con bò tót lai trong chuồng rộng 200 m2 ở thôn Bạc Rây, kề cầu Treo bắc qua sông Cái. Mái trại lợp tôn, chuồng ngăn là những khung sắt hàn bao quanh, một số thanh đã bung ra do gỉ sét, được thay thế bằng các cây gỗ, buộc sơ sài.

Hình ảnh bò tót khi dự án vẫn đang hoạt động. Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Thấy người lạ, đàn bò tỏ vẻ dè chừng, lùi lại phòng thủ như động vật hoang dã. Giương đôi sừng cong vút bóng loáng, nhưng chúng không còn dũng mãnh như trước, bởi cơ thể suy kiệt, ốm yếu. Từng thớ xương sườn và xương bả nhô ra như thể chỉ còn da bọc xương. Một số gầy lép đến nỗi chân đi xiêu vẹo.

Hình ảnh bò tót khi dự án kết thúc. Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Đàn bò tót lai này có nguồn gốc từ bò tót rừng của Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận). Năm 2009, bò tót đực nặng gần một tấn liên tục xuất hiện trong khu rẫy ở thôn Bạc Rây, xã Phước Bình. Cá thể này hung hãn tấn công bò đực nhà, rồi giành quyền giao phối các con bò cái nhà.

Năm 2014, con bò tót đực đã chết. Khi đó, con lai F1 của nó trong các đàn bò nhà của người dân xã Phước Bình đã lên đến hơn 20 con, vóc dáng và đặc tính hoang dã giống hệt bò rừng.

Từ 2012 đến 2015, sau khi phát hiện, Vườn quốc gia Phước Bình phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ Lâm Đồng thực hiện đề tài “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng” với đánh giá khả quan về triển vọng phát triển nguồn gen quý.

Tiếp theo đó, đề tài cấp nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng – Khánh Hòa” với kinh phí gần 5 tỷ đồng được triển khai, cuối năm 2015. Đề tài do PGS.TS Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng làm chủ nhiệm.

5 con đực và 5 con cái thế hệ F1 đã được mua lại từ dân để phục vụ nghiên cứu, nhân giống với hy vọng lai tạo ra hàng loạt đàn bò tót F2, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay cả 5 con bò cái trong đàn vẫn chưa thể sinh sản.

Riêng một cá thể đực F1 khi thả rong tình cờ giao phối với một bò cái nhà, sinh ra một bò cái con. Hai năm trước, con lai F2 này được dự án mua lại, cho nhập đàn vào trại khảo nghiệm, nâng lên 11 con.

Ông Nguyễn Đình Tích, 49 tuổi, người trông coi trại cho biết, đàn bò này từng mang về các dự án tiền tỷ, được nhiều tờ báo trong và ngoài nước săn ảnh, nhưng nay đang bị các cơ quan quản lý bỏ mặc, khả năng sẽ chết dần chết mòn.

Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Suốt hơn năm qua, chúng chỉ được ăn rơm khô cầm cự qua ngày. Mỗi con chỉ được cuộn rơm một ngày, nay cũng bớt xuống chưa được một cuộn (7-8 cuộn cho 11 con). “Ăn nhín lại, nhưng độ tuần nữa thôi, rơm trong kho sẽ hết sạch, chúng không còn gì để ăn”, ông Tích nói và cho biết, lúc còn dự án, đàn bò tót được ăn cỏ tươi, có khu đất được thuê riêng trồng cỏ cung cấp hàng ngày.

Trả lời VnExpress, ngày 26/9, PGS.TS Lê Xuân Thám cho rằng chưa thể nói gì kết quả nghiên cứu vì còn nhiều vấn đề phức tạp, cần chờ thêm các dự án nghiên cứu tiếp theo. Đề tài do ông chủ nhiệm hiện đã kết thúc hơn một năm qua, nay ông không còn liên quan gì trong việc quản lý, chăm sóc.

Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho hay, tháng 6/2019, khi dự án nghiên cứu kết thúc, đơn vị ông tạm thời phụ trách chăm sóc đàn bò tót lai ở Phước Bình. “Do chưa có dự án mới, từ đó đến nay, chúng tôi phải tự bỏ kinh phí sự nghiệp ra để duy trì, rất khó khăn”, ông Chương nói.

Cũng theo ông Chương, tới đây tỉnh Lâm Đồng sẽ bàn giao đàn bò tót lai lại cho tỉnh Ninh Thuận, mà đơn vị trực tiếp tiếp nhận là Vườn quốc gia Phước Bình. “UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận việc này, có thể chúng tôi sẽ tiến hành trong tháng 10 tới”, ông Chương cho hay.

Chiều 25/9, ông Tích gọi điện lên Lâm Đồng tiếp tục thông báo tình trạng ốm yếu của đàn bò, rồi hỏi một phụ nữ rằng bao giờ xuống trả tiền công chăm sóc và trả tiền mua rơm cho đàn bò. Giọng nữ trấn an: “Vài ngày nữa em sẽ xuống”.

Theo ông Tích, đó là nữ cán bộ làm ở Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, người giao dịch trực tiếp với gia đình ông trong việc thuê công chăm sóc và mua rơm. “Lần nào điện thoại lên, trên đó cũng hứa hẹn như vậy, nhưng 3 tháng nay, họ chưa trả đồng nào, trong khi gia đình tôi rất túng thiếu”, ông nói.

Năm 2018, ông Tích được thuê trông coi đàn bò tót này, sau khi ông Chuẩn, rẫy kề bên không nhận công việc này nữa. Đàn bò được dời qua chuồng trại của rẫy ông Tích sát bờ sông Cái. Mỗi tháng ông được trả 4 triệu đồng. Nhưng từ khi đàn bò tót bị bỏ mặc, ông Tích cũng không được thanh toán tiền công, kể cả thuê đất làm trại và mua rơm.

Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho biết, dù biết đàn bò đang ốm o gầy mòn, đơn vị không thể làm gì được vì chưa được tiếp nhận trở lại. “Tới đây, nếu bên Lâm Đồng bàn giao lại, chúng tôi sẽ chọn một vị trí khác trong vườn quốc gia để nuôi dưỡng, phục vụ nghiên cứu”, ông Vân nói.