Khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân trả đũa cho Kursk
Trong bối cảnh cuộc tấn công vùng Kursk bước sang ngày thứ 7, tướng Syrsky đã báo cáo với Tổng thống Volodymyr Zelensky về các “hoạt động tấn công”. Đây là lần đầu tiên cả ông Zelensky và lãnh đạo cấp cao nhất trong quân đội Ukraine trực tiếp xác nhận sự hiện diện của binh sĩ Ukraine trên đất Nga, theo tờ Kyiv Independent.
tướng Syrsky nói: “Tính đến ngày 12/8, chúng tôi kiểm soát khoảng 1.000km2 lãnh thổ Nga ở Kursk. Quân đội đang tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao. Giao tranh cũng đang diễn ra dọc theo toàn bộ tiền tuyến. Tình hình nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi”.
Vùng Kursk của Nga giáp biên giới Ukraine có diện tích khoảng 30.000km2. Với tuyên bố của tướng Syrsky, Ukraine được cho là đang kiểm soát 1/30 diện tích vùng Kursk.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ có ‘phản ứng thích đáng’ đối với hành động xâm nhập liên tục của Ukraine vào lãnh thổ Nga trong bối cảnh hơn 11.000 người đã được sơ tán tại khu vực biên giới thứ hai hôm 12-8.
Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức an ninh cấp cao và thống đốc khu vực, ông Putin nói rằng lực lượng Ukraine đang phải chịu thương vong nặng nề trong cuộc xâm nhập.
Trước đó, Thống đốc vùng Kursk Smirnov báo cáo với ông Putin rằng lực lượng Ukraine đã kiểm soát 28 khu định cư tại khu vực này. Hôm 10/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng Ukraine xâm nhập sâu tới 30km ở vùng Kursk.
Ông chủ Điện Kremlin nói: “Họ sẽ nhận được phản ứng thích đáng và tất cả mục tiêu trước mắt của chúng ta chắc chắn sẽ đạt được”.
Ông Putin cho rằng Ukraine đang cố gắng đe dọa nước Nga và làm suy yếu sự ổn định. Ông cảnh báo các quan chức cấp cao rằng Ukraine sẽ tìm cách gây bất ổn các khu vực biên giới nhiều hơn nữa.
Theo ông Putin, Ukraine với sự giúp đỡ của phương Tây đang cố cải thiện vị thế đàm phán của mình trước các cuộc đàm phán ngừng bắn tiềm năng và làm suy yếu những bước tiến của Nga.
Tuy nhiên, tổng thống Putin nhấn mạnh Nga không có phương án đàm phán đối với những kẻ tấn công bừa bãi vào dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự hoặc cố gắng tạo ra mối đe dọa đối với cơ sở điện hạt nhân.
Ông Putin đưa ra tuyên bố trên sau khi các quan chức Nga tại khu vực biên giới thứ hai ra lệnh cho hàng ngàn cư dân sơ tán khi cuộc xâm nhập của Ukraine diễn ra nhanh chóng.
Quản lý hành chính khu vực biên giới Belgorod Andrey Miskov tuyên bố 11.000 người được sơ tán khỏi Krasnoyarsk sau khi Thống đốc khu vực Belgorod Vyacheslav Gladkov thông báo xuất hiện “hoạt động của kẻ thù” tại biên giới với Ukraine.
Theo Reuters, trong khi lực lượng Nga và Ukraine tiếp tục giao tranh ở phía Đông và phía Nam Ukraine, căng thẳng giữa Moscow và Kiev đã leo thang trong tuần qua sau cuộc xâm nhập táo bạo của lực lượng Ukraine vào khu vực Kursk của Nga ở biên giới.
Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington, quân đội Nga dường như đang phối hợp giữa lính biên phòng, các lực lượng từ những khu vực khác bên trong đất nước và những binh sỹ được tái triển khai từ khu vực tiền tuyến để bảo vệ Kursk.
Trong khi quân đội Ukraine khó có thể mong đợi chiếm được hàng trăm km2 lãnh thổ Nga, dù các đơn vị mà họ triển khai là lực lượng dày dặn kinh nghiệm chiến đấu. Ngay cả khi được tăng cường quân số, việc chiếm giữ một khu vực rộng lớn của Nga là điều nằm ngoài khả năng và có lẽ cũng nằm ngoài mục tiêu của Ukraine. ISW lưu ý, Dù sớm hay muộn, quân tiếp viện Nga sẽ nhanh chóng khẳng định được vị thế, ngay cả khi họ mất hơn 3 ngày để phòng thủ hiệu quả.
Ông Emil Kastehelmi – một nhà phân tích tình báo nguồn mở của tổ chức Black Bird Group ở Phần Lan cho rằng: “Thời gian đang chống lại Ukraine. Nga chắc chắn sẽ không thể tiếp tục rơi vào thế bị động”.
Tuy vậy, ván bài Kursk buộc Bộ Quốc phòng Nga phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn. Nhiều khả năng, các lực lượng hiện có ở Kursk như Vệ binh Quốc gia, FSB và các lực lượng không chính quy khác khó có thể ngăn chặn hoàn toàn các đợt tấn công của Ukraine.
Phát biểu với CNN, ông George Barros – chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW – trụ sở tại Mỹ) cho rằng, Nga có thể tái triển khai các đơn vị của Nhóm lực lượng phía Bắc mới được thành lập, nhưng điều này sẽ làm gia tăng áp lực đối với lực lượng này và tạo ra lỗ hổng phòng thủ của Nga ở những nơi khác dọc biên giới.
Ngoài ra, Moscow cũng có thể huy động lực lượng dự bị thực hiện chiến dịch phản kích quy mô lớn, song đây là lực lượng rất quan trọng đối với các cuộc tấn công hiện tại của Nga bên trong Ukraine. Trước đó việc Nga liên tục triển khai binh sỹ với số lượng lơn đã làm xói mòn hệ thống phòng thủ của Ukraine tại các khu vực chiến đấu.
Theo ông Barros, Nga cũng có thể chuyển sang sử dụng không quân để tấn công các đơn vị thiết giáp của Ukraine tại khu vực Kursk, do vậy, ngăn chặn Ukraine củng cố vị trí và hỗ trợ các lực lượng Nga đang bảo vệ vùng biên giới.
Hiện cuộc chiến đang bước vào giai đoạn nguy hiểm hơn. Có một số suy đoán cho rằng, Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp đáp trả hữu hiệu. Tổng thống Putin nhiều lần cảnh báo, ông sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền của Nga bị đe dọa.
Trong cuộc họp báo hồi tháng 6/2024, Tổng thống Putin cho biết, Nga có một “học thuyết hạt nhân” được hình thành vào năm 2020. “Hãy xem học thuyết đó nói gì. Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi có thể sử dụng mọi biện pháp đáp trả. Đây là điều không thể coi nhẹ”.
Theo giới phân tích, nếu cuộc đột kích của Ukraine tiến xa hơn, Tổng thống Putin có thể buộc phải triển khai vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân chiến thuật ngay trên lãnh thổ Nga để đẩy lùi đối phương. Đến thời điểm hiện tại, lựa chọn hạt nhân vẫn chỉ là mối đe dọa, nhưng không ai có thể đoán trước Nga sẽ hành động như thế nào nếu chịu sức ép gia tăng quá lớn ở khu vực biên giới.
Chuyên gia Barros nhận định, bất kể Nga lựa chọn phương án nào, điều cần thiết với nước này là phải đảo ngược một giai đoạn đầy thách thức trong cuộc xung đột, dù ưu thế về quân số và không quân ở phía Đông Donetsk đang mang lại cho họ những bước tiến đáng kể, đồng thời củng cố lập trường của Moscow cho rằng, Ukraine phải từ bỏ bốn khu vực phía đông như một điều kiện tiên quyết để đàm phán.