Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố dự đoán về tăng trưởng của các nền kinh tế vùng Đông Á – Thái Bình Dương trong năm 2020. Do chịu ảnh hưởng của Covid-19, Việt Nam có thể tụt mức tăng trưởng xuống còn 4,9%, song không đến mức thê thảm như nền kinh tế Trung Quốc.

Hoạt động kinh tế Trung Quốc lao dốc

Trong bản báo cáo công bố ngày 31/3 vừa qua, WB nhận định, sau khi dịch Covid-19 lan tràn và biến động tài chính tăng cao, triển vọng tăng trưởng cho khu vực vào năm 2020 bị điều chỉnh giảm mạnh. Việc nhận định mức tăng trưởng cũng khó khăn hơn, do vậy báo cáo này trình bày cả kịch bản cơ sở và kịch bản cho tình huống kém hơn.

Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,1% và theo kịch bản tình huống thấp hơn sẽ giảm xuống mức âm 0,5% vào năm 2020, so với dự báo 5,8% vào năm 2019.

Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,3% và theo kịch bản tình huống thấp còn 0,1% vào năm 2020, so với 6,1% vào năm 2019.

Tăng trưởng ở khu vực ĐÁ-TBD không tính Trung Quốc được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm từ 4,7% năm 2019 xuống 1,3% và theo kịch bản tình huống thấp hơn còn âm 2,9% năm 2020. Tăng trưởng dự báo sẽ bật lại vào năm 2021 khi tác động của virus tiêu tan.

Báo cáo WB dự đoán rõ hơn tương lai ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 2, chỉ số nhà quản trị mua hàng sụt xuống dưới ngưỡng 50 điểm, là mốc ranh giới giữa tăng trưởng và suy giảm theo tháng. Mức giảm diễn ra mạnh hơn và rộng hơn so với đại suy thoái, xuống 36 cho các ngành chế tạo chế biến và 30 cho các ngành ngoài chế tạo chế biến. Sản xuất công nghiệp lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm sau hơn 30 năm.

Hiện còn chưa rõ chính phủ Trung Quốc có thể khởi động lại các hoạt động kinh tế nhanh như khi bị suy giảm đột ngột hay không. Số liệu ước tính gián tiếp, chẳng hạn chỉ số về ô nhiễm cho thấy hoạt động kinh tế mới chỉ nhen nhóm dần ở Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 (ảnh: Nguyễn Sơn).

Du lịch, công nghiệp gia công ở Việt Nam thiệt hại nặng

Trong bối cảnh Việt Nam vẫn kiềm chế được Covid-19, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự đoán mức tăng trưởng 4,9% trong năm 2020, giảm 1,6 điểm so với dự báo từ năm 2019.

Hai ngành bị thiệt hại nặng nề ở Việt Nam là du lịch và công nghiệp gia công (dệt, may…) Những người lao động trong hai ngành nghề này sẽ bị tác động trực tiếp đến đời sống cá nhân và gia đình họ.

WB vẫn dành cho Việt Nam cái nhìn lạc quan trong giai đoạn dịch bệnh đi qua. Theo dự báo, qua năm 2021, tăng trưởng của Việt Nam vọt trở lại với tỷ lệ 7,5%, trước khi ổn định ở mức 6,5% trong năm 2022.

Vỡ định mức thoát nghèo

Cú sốc Covid-19 cũng tác động nghiêm trọng đến giảm nghèo trên toàn khu vực. Nếu đại dịch không xảy ra, ước tính kịch bản cơ sở về tăng trưởng, số người thoát nghèo toàn khu vực giảm 24 triệu người trong năm 2020 (theo ngưỡng nghèo 5,50 USD/ngày). Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi, và kịch bản tình huống thấp hơn xảy ra, số người nghèo ước tính sẽ tăng khoảng 11 triệu người.

Nhóm người nghèo sẽ khốn khổ hơn sau đại dịch. Dự đoán người lao động trong khu vực phi chính thức ở tất cả các nước đặc biệt bị ảnh hưởng và khó để hỗ trợ nhất.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hệ thống tài chính của các quốc gia có nợ khu vực tư nhân ở mức cao sẽ rất dễ tổn thương với các cú sốc bên ngoài. Tỷ lệ tăng nợ ở Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á sẽ diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới.