Kỳ án 42 năm: Hung thủ thoát tội vì hết hạn truy cứu
Người con trai đi khắp nơi để tìm hung thủ giết mẹ. Đến khi tìm được, thì hết thời hiệu truy cứu, hung thủ được thả tự do. Vụ kỳ án này mới có kết luận cuối cùng sau khi xảy ra 42 năm.
Theo PLO, một nguồn tin của tờ báo này hôm 16/1 cho biết VKSND tỉnh Bình Thuận đã ban hành kết luận kiểm sát đối với vụ án giết người, cướp của ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) vào ngày 31/7/1980.
Nạn nhân là bà Phan Thị Khanh (sinh năm 1954, ngụ thôn 3, xã Tân Minh, Hàm Tân).
Theo kết luận điều tra, hung thủ là Trương Đình Chi (hay Mười Chi). Người này còn có tên khác là Trương Đình Khôi và Lê Minh Sơn, sinh năm 1956, trú tại thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, Phú Yên.
Nội dung chính
Kỳ án 42 năm: Hung thủ thoát tội, người chịu oan sai
Khi xảy ra vụ án, ông Võ Tê nhà ở gần nghe thấy tiếng tri hô, lập tức đến hiện trường.
Tại đây, mẹ của bà Khanh đang ôm xác con gái, khóc lóc thảm thiết. Ông Tê là người rành về thuốc Nam trong xóm, ông đến bắt mạch, vỗ vào bụng nạn nhân rồi đoán bà đã chết.
Lúc này, mẹ của nạn nhân chồm tay, nắm ống quần của ông Tê, nhờ ông cứu con gái. Do đó, máu từ tay bà dính vào ống quần của ông Tê.
Dựa vào vết máu, Công an huyện Hàm Tân ngày 1/8/1980 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam ông Võ Tê (sinh năm 1932, quê Đại Lộc, Quảng Nam; trú tại thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân) để điều tra.
Tuy nhiên, kết quả điều tra không đủ cơ sở để buộc ông Võ Tê phạm tội. Ông Tê bị tạm giam 5 tháng, sau đó được thả ra vào ngày 30/12/1980.
Dù được ra tù, ông Võ Tê vẫn bị mang tiếng oan suốt hơn 40 năm. Đến năm 1994, ông Tê qua đời khi vẫn còn phải mang thân phận bị can, theo Vnexpress.
Hơn 41 năm mới có kết luận ai là hung thủ
Ngày 20/7/1984, công an ra quyết định tạm kết thúc hồ sơ. Đến ngày 16/11/2021, Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định phục hồi điều tra vụ án nêu trên.
Công an phối hợp với Viện KSND tỉnh Bình Thuận điều tra, xác định, Trương Đình Chi mới là hung thủ giết người và cướp tài sản của bà Phan Thị Khanh.
Tuy nhiên vụ án đã xảy ra hơn 41 năm, đã hết hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015.
Nguồn tin của PLO cho biết, sau khi làm việc với Trương Đình Chi, công an có đủ căn cứ kết luận đây là hung thủ của vụ án trên.
Dựa trên giám định AND; xác minh tàng thư; tra cứu vân tay và các biện pháp nghiệp vụ khác, công an xác định Trương Đình Chi, Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn đều là một người.
Tuy nhiên do đã hết thời hiệu truy cứu, công an đã cho gia đình Trương Đình Chi bảo lãnh ông này về nhà theo quy định.
Con trai tự đi tìm hung thủ giết mẹ hàng chục năm
Anh Đỗ Thanh An (con trai bà Khanh, nay đã 49 tuổi) đã dành hàng chục năm trời để tự điều tra, lần theo dấu vết hung thủ.
Anh làm đủ nghề để mưu sinh, từ việc bán vé số, phụ hồ, bưng bê, rửa chén khắp các tỉnh từ Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, cho đến Đồng Nai, TP.HCM, Sóc Trăng. Anh vừa đi các nơi làm mướn, nghe ngóng, tìm hung thủ.
Chính anh An là người xác định được Trương Đình Chi đã về quê vợ ở Quy Nhơn, Bình Định, nhập hộ khẩu nhà cha vợ. Sau đó, Chi đổi tên thành Lê Minh Sơn sinh năm 1954.
Anh An đã làm đơn tố cáo. Công an Bình Thuận cử trinh sát đến Bình Định. Tuy nhiên, sau đó Lê Minh Sơn và vợ đột nhiên biến mất.
Ngày 4/4/1999, Công an Bình Thuận ra thông báo truy tìm Lê Minh Sơn. Anh An thừa nhận Công an tỉnh Bình Thuận đã truy xét theo thông tin mà anh báo, nhưng không có kết quả.
Được biết CQĐT đã mời anh An lên làm việc về tang vật vụ án (1,6 lượng vàng) và các thủ tục bồi thường thiệt hại liên quan đến cái chết của mẹ mình.
Độc giả bình luận
Trên báo PLO, một độc giả bức xúc: “Vậy ông Võ Tê bị bắt oan sai, bị tạm giam 5 tháng và mang tiếng oan suốt 41 năm. Nhận trách nhiệm xin lỗi và bồi thường cho người ta đi chớ!”
Một người khác viết: “Thời hiệu án hình sự nghiêm trọng chỉ có 20 năm là thoát giờ mới biết! Phải sửa luật hình sự gấp không tính thời hiệu với những vụ án cướp của giết người. Không quốc gia nào nhân văn với loại tội phạm này.”