Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng triệu hộ gia đình đang ngóng được giảm giá điện, nước thì nhiều người lại nhận được hóa đơn tiền điện tăng tới 30% so với tháng trước.

Hiện nay, ở hầu hết các hộ gia đình đều đang xảy ra tình trạng con cái không đi học, người lớn giảm đi làm, giảm ra đường. Trong khi thời tiết (đặc biệt ở miền Nam) đang trong mùa nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, chi phí cũng tăng theo. Thế nhưng thu nhập của phần lớn người dân đang giảm trầm trọng vì mất việc, giảm lương, kinh doanh đóng cửa… vì Covid-19.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp và địa phương đã kiến nghị giảm thêm giá điện để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt để người dân vượt qua thời gian khó khăn này, sau khi giá xăng, dầu trong nước ngày 29/3 giảm mạnh nhất 11 năm qua. Bộ Công thương cũng đã đề xuất giảm giá điện 10% cho sản xuất, kinh doanh và các hộ gia đình từ tháng 4 đến tháng 6.

giá điện tăng vọt
Ảnh chụp màn hình bài viết trên báo Thanh Niên.

Đề xuất ban đầu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chỉ giảm dè dặt, đối tượng giảm trọng tâm là các khu vực cách ly tập trung; các viện xét nghiệm nCoV; các bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Giải pháp giảm giá điện được đánh giá là thiết thực, hiệu quả, nhanh, độ bao phủ rộng thì đến nay vẫn chưa thấy nhà điện “động tĩnh” gì về việc giảm bao nhiêu, bao giờ giảm. Trong khi người dân đang mòn mỏi trông ngóng thì lại đến kỳ đóng tiền điện tháng 4 với hóa đơn tăng vọt.

Trả lời báo Thanh Niên, anh T.K.H (Q.4, TP.HCM) cho biết anh giật mình khi nhận thông báo tiền điện tháng 4 tăng thêm gần 500.000 đồng so với tháng trước. Từ sau Tết, hóa đơn điện nhà anh cứ tăng dần đều với mức tăng mạnh. Chẳng hạn tháng 2 tiền điện nhà anh H. hết 1,6 triệu đồng, sang tháng 3 là 2,4 triệu đồng, đến tháng 4 đã lên 2,9 triệu đồng.

Theo anh H., gia đình anh không thuộc diện được giảm nhưng tiền điện tăng quá mạnh. Bây giờ thì cả nhà anh ở nhà, cái gì cũng xài nên hóa đơn tăng vọt. “Nhà nào cũng vậy thôi, cách ly toàn xã hội, ở nhà hết nên chi phí gì cũng tăng. Nhà điện không giảm nhanh, các hộ nghèo càng khó khăn hơn”, anh H. nói.

Nhà chị Th. (quận 12) từ sau Tết khi có thông tin dịch bệnh, thu nhập giảm nên đã thiết “quân lệnh” không sử dụng máy lạnh, chỉ dùng 2 quạt máy để tiết kiệm nên tháng 2 và tháng 3 chỉ dao động từ 400.000 – 450.000/tháng. Tuy nhiên, hoá đơn tháng 4 của nhà chị Th. vẫn tăng vọt lên 550.000 đồng. “Tháng này cao điểm ở nhà nên tiền điện tăng vọt. Cái gì cũng tăng chỉ có thu nhập là giảm”, chị Th. than thở.

Anh Đ.S (huyện Nhà Bè) cho biết, hóa đơn tiền điện nhà anh đã tăng mấy tháng vừa qua. Cụ thể, tháng 1 là 2,27 triệu đồng, tháng 2 là 2,42 triệu đồng và tháng 3 lên 2,6 triệu đồng. Tương tự, tiền điện nhà chị M.P. (quận 7) cũng “tăng dần đều” với tháng 1 là 790.000 đồng, tháng 2 là 890.000 đồng và tháng 3 là 1,08 triệu đồng. “Sau 3 tháng, tiền điện nhà mình đã tăng 30%. Tháng 4 chắc còn tăng mạnh hơn vì đây mới là cao điểm ở nhà hầu như toàn bộ thời gian”, chị M.P. nói.

Trong khi Chính phủ đã duyệt khoản ngân sách hơn 62.000 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp… để giúp người dân trong mùa dịch, thì giải pháp giảm giá điện đang được người dân cả nước trông chờ nhiều nhất.