Miền Nam Trung Quốc mưa lớn triền miên, 304 con sông có mực nước vượt trên ngưỡng báo động, 26 tỉnh bị nước lũ vây khốn, mực nước của Tam Hiệp vượt quá mức giới hạn lũ. Các chuyên gia cảnh báo ngoài đập Tam Hiệp, Trung Quốc còn có ít nhất 80.000 hồ chứa giống như những “quả bom hẹn giờ”.

Từ đầu tháng 6, Quý Châu, Trùng Khánh và Tứ Xuyên là những khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ. Khoảng hơn 1.000 hồ chứa nước ở thượng nguồn, trung lưu và hạ lưu nhiều con sông ở Trung Quốc đã đầy nước.

dòng nước đục ngầu
Lũ chảy qua khu tập thể dân cư ở Trùng Khánh – ảnh facebook XInhuaUdur

Ngày 4/7 mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp đã tăng vọt lên 149,6 mét (vượt qua mức cảnh báo lũ 4,6 mét).

Mưa lớn không chỉ gây ra ngập úng mà còn kèm theo một số thiên tai khác như lở đất, lũ quét, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống thiên tai của Trung Quốc.

Nước cao tới nóc nhà
Người dân trên nóc nhà ở tỉnh An Huy ngày 6/7 – ảnh facebook PNN.

Chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc của Trung Quốc cho rằng, chỉ mới bước vào mùa mưa nhưng tình trạng mưa lớn kéo dài ở Trung Quốc hiện nay là rất nghiêm trọng.

Ông Vương cho rằng, đập Tam Hiệp của Trung Quốc đang đứng trước thách thức lớn trong mùa mưa lũ năm nay. Với cao trình nước xấp xỉ 150m, và lưu lượng đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp là hơn 50.000m3/s, nếu đập Tam Hiệp bị vỡ, khu vực hạ lưu sông Dương Tử, từ Nghi Xương đến Thượng Hải đều sẽ chìm trong biển nước.

Vương Duy Lạc
Chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc cảnh báo còn 82.000 hồ chứa khắp Trung Quốc như những quả bom nổ chậm trong lũ.

Ngoài đập Tam Hiệp, ông Vương thống kê chỉ ra Trung Quốc có khoảng 98.000 hồ chứa nước, trong đó 82.000 hồ chứa trong số này được đánh giá là không an toàn.

Theo phân tích của ông Vương Duy Lạc, số hồ chứa nước bị hư hại hoặc đã quá hạn sử dụng, được đánh giá là không an toàn, chiếm hơn 84% tổng số hồ chứa của Trung Quốc.

ngập ở Vũ hán
Người dân chéo thuyền trong công viên gần bờ sông Hán Khẩu ngày 5/7 – ảnh trên Zing.

Nguyên nhân là do hầu hết các hồ chứa, đập nước ở Trung Quốc được xây dựng vào những năm 1950 và 1970 và đã được sử dụng suốt 40 – 60 năm qua. Nếu tính theo tuổi thọ trung bình của một hồ chứa là 50 năm thì hầu hết hồ chứa nước của Trung Quốc đều đã đến hạn hoặc vượt quá thời gian sử dụng so với thiết kế ban đầu.

Ông Vương chỉ ra rằng, Trung Quốc thường xây dựng hàng chục hồ chứa dọc từ thượng nguồn đến hạ nguồn của một con sông. Điều này có nghĩa nếu một hồ chứa bị vỡ, những hồ chứa còn lại ở hạ lưu cũng sẽ rơi vào nguy hiểm theo hiệu ứng domino.

một đập vỡ, các đập khác sẽ vỡ theo
Nước sông thành thác tại Trùng Khánh – ảnh trên Báo quốc tế.

Những hồ chứa kiểu này tiết kiệm chi phí xây dựng, tận dụng nguồn nước và trữ được thể tích lớn, nhưng cực kỳ không an toàn. Ông Vương ví chúng như những ‘quả bom nổ chậm’.

Đài Khí tượng và Hệ thống cảnh báo thời tiết Trung Quốc dự báo mưa lớn sẽ tiếp diễn ở các khu vực Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh, Quý Châu, Vân Nam cho tới giữa tháng 7.

Từ tháng 6, cuộc sống của hơn 20 triệu người ở Trung Quốc bị ảnh hưởng, gần 20.000 ngôi nhà bị phá hủy. Hơn 120 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong dòng nước lũ. Tổng thiệt hại kinh tế đối với Trung Quốc đã lên tới hơn 5,9 tỷ USD.