Ngày của Mẹ – dịp thiêng liêng để tôn vinh tình mẫu tử – được tổ chức vào Chủ nhật thứ hai tháng 5. Nhưng ít ai biết, ngày lễ này bắt nguồn từ một câu chuyện xúc động từ người con gái mang tên Anna Jarvis, người đã biến ước nguyện của mẹ mình thành một phong trào lan tỏa khắp thế giới.

Người khởi xướng Ngày của Mẹ hiện đại là ai?

Hình thức tổ chức Ngày của Mẹ như hiện nay bắt nguồn từ Mỹ, với người đặt nền móng là Anna Maria Jarvis (1864 – 1948). Bà được coi là “người mẹ” của Ngày của Mẹ hiện đại. Ý tưởng về ngày lễ này được khơi nguồn từ chính người mẹ của Anna – bà Ann Reeves Jarvis – người luôn mong muốn có một ngày tưởng nhớ sự hy sinh của những người mẹ cho gia đình và xã hội.

Sau khi mẹ qua đời vào năm 1905, Anna Jarvis đã phát động chiến dịch vận động mạnh mẽ khắp nước Mỹ thông qua các bài diễn thuyết và thư từ, với mong muốn biến ước nguyện của mẹ thành hiện thực. Năm 1907, Ngày của Mẹ đầu tiên được tổ chức tại nhà thờ Andrews Methodist Episcopal ở West Virginia – đúng vào Chủ nhật thứ hai của tháng 5, trùng với ngày giỗ mẹ bà. Địa điểm này sau đó được công nhận là Đền thờ Ngày của Mẹ Quốc tế và trở thành Di tích Lịch sử Quốc gia của Mỹ từ năm 1992.

Ngày của Mẹ trở thành ngày lễ quốc gia

Những tờ áp phích đầu tiên để tuyên truyền về Ngày của Mẹ (Ảnh: VTC News)

Chỉ trong vài năm sau đó, phong trào lan rộng khắp nước Mỹ. Đến năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson đã ký văn bản công nhận Chủ nhật thứ hai của tháng 5 là Ngày của Mẹ quốc gia. Từ đó, ngày lễ này trở thành dịp quan trọng để mỗi người thể hiện lòng biết ơn và tình cảm với mẹ – người phụ nữ đã hy sinh vì gia đình.

Ý nghĩa biểu tượng và thông điệp của Anna Jarvis

Anna Jarvis đặc biệt phản đối việc thương mại hóa Ngày của Mẹ. Theo bà, “Một tấm thiệp in không có ý nghĩa gì. Hãy viết tay lời chúc hoặc trực tiếp bày tỏ tấm lòng với mẹ bạn – người đã hy sinh nhiều nhất vì bạn.” Jarvis mong muốn ngày lễ này được giữ gìn như một truyền thống mang tính cá nhân và gia đình, không bị chi phối bởi yếu tố thương mại.

Biểu tượng của ngày lễ cũng mang đậm ý nghĩa: hoa cẩm chướng đỏ tượng trưng cho người mẹ còn sống, còn hoa cẩm chướng trắng dành để tưởng nhớ người mẹ đã khuất – theo đúng tinh thần tưởng niệm và tôn vinh thiêng liêng mà Jarvis theo đuổi.

Nguồn VTC News