Lượng tồn kho đất nền, chung cư tăng mạnh trong quý I/2025 theo báo cáo của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, giá bán vẫn tiếp tục leo thang thay vì giảm; khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng nghịch lý đáng lo ngại.

Tồn kho bất động sản tăng nhanh nhưng giá vẫn leo thang

Theo báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý I của Bộ Xây dựng, tổng lượng tồn kho bất động sản là 23.400 sản phẩm; tăng hơn 37% so với cuối năm 2024. Điều này bao gồm các bất động sản đã đủ điều kiện giao dịch nhưng chưa được bán ra.

Trong số đó, chung cư tồn kho gần 2.339 căn; tăng gấp 2,18 lần. Đất nền cũng ghi nhận tồn kho tới 11.685 nền, gấp 2,45 lần so với cuối năm ngoái. Ngược lại, nhà ở riêng lẻ tồn kho giảm hơn 16%, còn 9.376 căn.

Dù lượng hàng chưa tiêu thụ tăng cao, giá bán vẫn đi lên. Cụ thể, giá chung cư tại Hà Nội tăng 5%, còn TP.HCM tăng từ 3–4%. Đất nền tại nhiều tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang hay vùng ven Hà Nội cũng tăng mạnh 5–30%.

Vì sao tồn kho vẫn tăng mà giá không giảm?

Giới chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tồn kho đất nền, chung cư tăng mạnh nhưng giá vẫn đi lên.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), quý vừa qua thị trường đón nhận khoảng 14.500 sản phẩm mới; với hơn 58% là thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang. Các sản phẩm này chủ yếu đến từ các đại đô thị ở vùng ven Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận. Nguồn cung mới tập trung vào nhóm người có tài chính cao và giới đầu tư nên chưa đáp ứng thực sự nhu cầu ở thực của người dân.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, lý giải rằng dù số lượng căn hộ mở bán mới nhiều; song mặt bằng giá khó giảm vì chi phí đầu tư và giá đất đầu vào đã rất cao. Do đó, giá sơ cấp vẫn duy trì ở mức cao; đặc biệt là ở các dự án có tiêu chuẩn cao cấp.

Sốt đất nền: Cục bộ và rủi ro cao

Ở phân khúc đất nền, một phần nguyên nhân khiến giá tăng được cho là do tác động của thông tin quy hoạch; nhất là liên quan đến đề xuất sáp nhập tỉnh, thành. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường chạy theo tin đồn quy hoạch; khiến giá đất bị đẩy lên trong thời gian ngắn.

Nguyễn Hoài An – Giám đốc CBRE Việt Nam chi nhánh Hà Nội – nhận định các cơn sốt đất đã diễn ra nhiều năm qua và đều có điểm chung là bùng phát theo các tin tức về hạ tầng, dự án lớn hoặc quy hoạch hành chính. Tuy nhiên, bà cảnh báo, hiện tượng này thường mang tính cục bộ, rủi ro cao và cần thời gian dài mới có thể trở thành hiện thực.

Theo: Dantri