Chính thức: Người dân được bắn pháo hoa trong ngày lễ, tết, cưới, sinh nhật
Theo nghị định số 137 của Chính phủ có hiệu lực từ hôm qua 27/11, từ ngày 11/1/2021, người dân được sử dụng pháo hoa trong đám cưới, lễ, tết, sinh nhật…
- Voi mang thai mất mạng vì ăn quả nhét pháo bên trong
- CĐV bắn pháo trúng đùi cô gái ở sân Hàng Đẫy bị phạt 4 năm tù
Theo quy định mới, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Nghị định này cũng quy định khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Trước khi nghị định này có hiệu lực, nhiều năm qua việc cá nhân đốt pháo hoa trong các dịp lễ, tết (kể cả dip Tết Nguyên đán) bị cho là phạm luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 36 năm 2009 của Chính phủ thì hành vi sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa bị nghiêm cấm.
Việc xử phạt chiểu theo điểm b, Khoản 2 điều 10 Nghị định 167 năm 2013 với quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi “sử dụng các loại pháo mà không được phép.”
Cũng trong nghị định 137 vừa có hiệu lực, Chính phủ cũng bổ sung nhiều hành vi mới bị nghiêm cấm khi quản lý, sử dụng pháo như:
Nghiêm cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ; sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Nghiêm cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
Cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức…