Anh Trần Trung Hiếu (38 tuổi) cho biết, vì bất đắc dĩ mà phải địu thêm con trai nhỏ gần 8 tháng tuổi – bé Trần Nguyễn Thiện Nhân theo mình trên từng cuốc xe.

Câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội về người đàn ông lái xe ôm công nghệ mang cả con đi làm. Nhìn hình ảnh đêm hôm, con vẫn được ba địu trước ngực rong ruổi trên những con đường nhiều người thấy thương.

Cụ thể, một số dòng chia sẻ khi nhìn thấy hình ảnh ông bố đi giao hàng phải mang con nhỏ theo: “Thấy trên mạng đăng cũng mấy lần hình ảnh ông bố bỉm sữa địu con chạy Grab, hôm nay tự nhiên có cơ hội đi cùng.

Anh kể bé ngoan lắm, đói khóc xíu bú sữa rồi thôi, mệt tự ngủ. Bé hay theo ba đi làm do mẹ làm siêu thị không đưa theo được, hàng tháng. Anh chị phải trả tiền thuê nhà, trả nợ ngân hàng, ăn uống bỉm sữa nên không đủ tiền gửi bé hay để một người nghỉ làm, ông bà cũng lớn tuổi không trông bé được.

Anh kể có bữa chở người khách kia bị chụp hình đăng lên mạng nên cũng nhiều người biết đến. Có người nói anh với chị khách đó diễn sâu. Rồi cũng có người muốn giúp đỡ mà thấy áy náy lắm không nhận.

Mình nói ai muốn giúp anh nhận đại đi, rồi nghĩ cách khác kiếm tiền, chứ tiền không lúc này thì lúc kia chứ lỡ chạy xe gặp rủi ro gì với bé hối hận cả đời.

Mình sẽ không bao giờ nói con mình may mắn hơn các bạn hoàn cảnh khó khăn, mà mình mới là người may mắn vì không bị rơi vào hoàn cảnh phải làm khổ con như vậy. Nhìn em bé mới 7 tháng thương gì đâu”.

Bé Thiện Nhân (ảnh gia đình cung cấp trên Ngôi Sao Net).

Thông tin từ Ngôi Sao Net, đó là hoàn cảnh của anh Trần Trung Hiếu (38 tuổi) vì bất đắc dĩ mà phải địu thêm con trai nhỏ gần 8 tháng tuổi – bé Trần Nguyễn Thiện Nhân theo mình trên từng cuốc xe.

Anh Hiếu kể: “hai vợ chồng làm ăn thua lỗ, nợ ngân hàng, dịch bệnh còn khiến người vợ thất nghiệp, nhà cửa đều là đi thuê, nên gánh nặng kinh tế càng nặng nề, không có tiền gửi con đi nhà trẻ. Đến gần đây, vợ anh xin được việc làm nhân viên bán hàng của siêu thị nhỏ theo ca. Còn bà nội gần 70 tuổi vẫn phải bán vé số mưu sinh, bà ngoại lớn tuổi không trông được cháu nhỏ, chỉ giữ được một cháu lớn là Trần Nguyễn Thiên Nhân (gần 3 tuổi).

Vì thế, đường cùng, bất đắc dĩ, tôi phải đưa con út – bé Thiện Nhân đi làm cùng mình. Nếu vợ tôi làm ca sáng thì tôi sẽ đưa con đi làm cùng mình và ngược lại. Hai vợ chồng tôi cứ thay phiên nhau để chăm con”.

Khi vợ đi làm ca sáng, anh Trung Hiếu cũng chuẩn bị hành trang để hai bố con ra khỏi nhà mưu sinh lúc 9h. Suốt một tháng ròng rã, anh chuẩn bị đầy đủ địu, quần áo, mũ, bỉm, sữa, tã, áo mưa, khăn, balo… cho con trai nhỏ dùng trong suốt 3 tiếng chạy xe ngoài đường cùng bố dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn khoảng 37-38 độ C. Những ngày mưa, hai bố con còn vướng víu khổ sở hơn. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho khách khi lái xe, anh Hiếu cũng phải để ý che chắn kín để con không say nắng, học cách quan sát con để kịp thời cho bé vào bóng râm, quạt gió để con được mát. Còn nếu vợ đi làm ca tối, hai cha con lại chuẩn bị để chạy xe từ 17-18h và quay trở về nhà vào 20-21h. Đôi khi quãng đường di chuyển xa xôi, hai cha con chỉ kịp trở về nhà vào tối muộn lúc 21h30, 22h.

Lái xe 38 tuổi tâm sự: “Thời tiết nắng nóng, đôi khi con quấy khóc, tôi xót lắm mà cũng phải chịu vì không ai giúp gì được. Nếu con khó chịu quá, tôi phải tắt app, chạy xe về nhà, để con được ngồi chơi. Nhiều lúc vừa địu con trên đường, thấy con mệt mà tôi khóc, suy nghĩ mãi xem có cách nào để con không phải chịu khổ khi đi làm cùng mình mà không tìm được cách nào”.

Cuối cùng anh Trung Hiếu nghẹn ngào bộc bạch: “Từ ngày tôi địu con đi cùng, phản ứng khách hàng đa dạng, một số rất ngạc nhiên, số ít thương cảm, một bộ phận hỏi han, còn một vài người khó chịu và huỷ cuốc. Vài đồng nghiệp cũng dè bỉu tôi. Sau này, có khách hàng đăng tải câu chuyện về tôi địu con đi làm ở trên mạng nhưng vài người bình luận tiêu cực, họ nói tôi và khách hàng diễn sâu, muốn tranh thủ lòng thương hại. Nghe những lời đó, tôi rất stress.

Gia đình tôi bần cùng bất dĩ mới phải chọn phương án đưa con đi làm cùng. Dù được người thầy của mình khuyên không nên để ý lời người ta nói nhưng tôi ở trong hoàn cảnh này, đêm nào cũng mất ngủ vì suy nghĩ, đau đầu tìm cách mưu sinh để con bớt khổ. Tôi cảm thấy rất áp lực nhưng mỗi khi nghĩ về hai đứa con, tôi lại tự động viên mình cố sống vì hai bé”.