Người phụ nữ bán đất nuôi trăm cụ già vô gia cư
Đó là câu chuyện về bà Nguyễn Thị Hồng (54 tuổi, xã phú Hữu, Nhơn Trạch) được tác giả Diệp Phan ghi lại trên báo VnExpress.
15 năm “lo chuyện bao đồng”
Bà Hồng cùng chồng, ông Trần Thanh Thuận từng làm nghề buôn bán xăng dầu cho những chiếc xáng cạp trên sông. Chứng kiến những mảnh đời éo le của nhiều người già không nơi nương tựa, bà Hồng thấy ám ảnh. Bà từng nói với chồng “Tui ước sau này khi con cái lớn, có nhà cửa khang trang nhất định sẽ đón các cụ về nuôi”. Ông Thanh khi ấy phản đối ngay “Bà thương người ta thì gửi tiền vào các mái ấm nơi đó có người chăm sóc chứ người già bệnh, ốm đau sao bà lo nổi”.
Bà Nguyễn Thị Bé (áo sáng màu), 70 tuổi, quê ở Cần Thơ là người còn minh mẫn nhất trong 76 người đang ở tại mái ấm (ảnh: Diệp Phan/VnExpress). |
Năm 2004, gia đình bà xây nhà với số tiền tích cóp sau nhiều năm, bà bảo chồng hãy làm nhà rộng nhất có thể. Lúc đó bà đã có tâm nguyện để dành chỗ cho những người già vô gia cư nhưng bà không nói suy nghĩ đó ra với chồng.
Một năm sau, bà Hồng lên Biên Hoà thăm hai con đang đi học, bà gặp một cụ già ngồi ở mé sông đang ôm mặt khóc. Cụ kể cho bà Hồng nghe gia cảnh của mình, cụ không có chồng con, người thân lại thất lạc từ lâu. Hơn 70 tuổi, sức khoẻ yếu không còn người thuê mướn, không chỗ ở, cụ không biết đi đâu về đâu những ngày cuối đời.
Nghe xong câu chuyện, bà Hồng nói “Nếu bà không có nơi nào để về thì về nhà con, con nuôi bà đến cuối đời. Nhưng ở nhà con phải ăn chay, bà có ăn được không?”. Bà cụ đáp lại “Tui ăn gì cũng được, miễn có chỗ nằm che nắng mưa”.
Vậy là bà Hồng dẫn bà cụ về nhà. Trên đường đi, bà thầm cầu cho chồng không phản đối quá gay gắt, sợ làm tổn thương đến bà cụ già. Nhưng khi về đến nhà, ông Thuận đồng ý luôn. Thở phào, nhưng cũng bất ngờ với thái độ của chồng, bà hỏi: Sao anh không phản đối? Ông Thuận trả lời “Anh định phản đối vì sợ em cực khổ nhưng anh hết nói nổi em rồi”
Từ đó cụ sống cùng vợ chồng bà Hồng. Bốn năm tiếp theo, căn nhà đón thêm ba cụ già nữa. Hàng ngày, vợ chồng bà lên ghe xuôi sông Sài Gòn buôn bán, tối về trải chiếu ngủ ngoài phòng khách, nhường căn phòng và chiếc giường cho các cụ.
Tình yêu thương và tính cách điềm đạm giúp bà Hồng vượt qua những khó khăn khi chăm sóc những người già neo đơn (ảnh: Quân đội Nhân dân). |
Để có chỗ cho nhiều người già vô gia cư, vợ chồng bà Hồng làm thêm căn nhà lá ở mảnh đất trống bên cạnh. Hiện tại mái ấm đang nuôi 76 người, trong đó có 32 người bị tai biến chỉ nằm một chỗ. Mỗi cụ đến với mái ấm mang một câu chuyện riêng, nhưng có điểm chung là họ không còn bất cứ người thân nào để nương tựa.
“Má Hai” của những người già neo đơn
Chăm sóc người già không phải chuyện đơn giản, bởi họ thường trái tính trái nết. Nhiều khi bà Hồng phải “chịu trận” trước tính khí thất thường của các cụ. “Nhiều lần tôi đưa các cụ đi tắm, khi trở vào các cụ không chịu mặc đồ mà bắt mình phải xin lỗi, thậm chí có lần các cụ còn đánh mình nữa. Nhưng tôi không trách vì các cụ đang bị bệnh, không làm chủ được bản thân nên mới có hành động như vậy…”, bà Hồng bộc bạch.
Nhờ tình yêu thương, sự khéo léo trong cách ứng xử, bà Hồng đã cảm phục được những cụ già khó tính. Ông Nguyễn Vạn A. kể trên báo Quân đội Nhân dân: “Tôi là một người nghiện rượu, nghiện thuốc lá sống lang thang không nhà, không cửa cả đời. Khi mới về đây, tôi không tin là mình sẽ ở lại lâu dài bởi tính tôi ngang bướng, không chịu gò bó. Thế nhưng, ở được một thời gian, tôi cảm thấy rất phục cô Hồng và không muốn rời đi. “Má Hai” là người rất hiền lành, ăn nói khoan thai, từ tốn, chưa bao giờ la mắng ai. Nhiều lần tôi rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh cô Hồng bị các cụ la mắng, thậm chí đánh, cào cấu, nhưng cô vẫn đem tình thương bao dung của mình để đối xử lại với họ”.
Dân gian có câu “cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”. Quả thực, chỉ có bậc làm cha mẹ khi nuôi nấng, chăm sóc con cái mới không quản ngại khó khăn, không tính công sức. Bà Hồng coi những cụ già ở đây như chính cha mẹ của mình nhưng lại dùng tình thương, sự chăm sóc của đấng sinh thành để đối đãi với các cụ. Có lẽ, chính vì vậy mà không ai bảo ai, tất cả các cụ già ở đây đều gọi bà là “má Hai” như thế.
Ông Thuận 3 năm nay cũng đã nghỉ buôn bán để phụ vợ chăm sóc các cụ. Ông thay thế bà tắm rửa cho các cụ mỗi ngày vì bà Hồng đau lưng không còn bế nổi. Ông Thuận cho biết “Việc chăm sóc các cụ là tâm nguyện lớn nhất của vợ, tui muốn cùng vợ thực hiện tâm nguyện lớn nhất ấy” (ảnh: Diệp Phan/VnExpress). |
Để nuôi các cụ, ban đầu bà Hồng dùng tiền cá nhân, nhưng khoản tiền tiết kiệm của gia đình đã cạn từ lâu, năm mẫu đất của vợ chồng bà cũng được bán dần, lấy tiền trang trải cho mái ấm. Năm năm nay, mái ấm của bà được nhiều người biết đến hơn nên gạo hoặc tã giấy dùng cho các cụ bị liệt nằm một chỗ là hai thứ cần thiết nhất cũng được nhiều mạnh thường quân hỗ trợ.
Riêng bà Hồng, quanh năm vẫn chỉ mặc những bộ đồ bà ba nâu. Từ ngày đón các cụ già vô gia cư về nuôi, vợ chồng bà chưa có một chuyến du lịch hay ăn uống bên ngoài. “Trước kia, thỉnh thoảng nhà có mua sầu riêng “ăn sang” một bữa. Nhưng giờ thì thôi luôn, các cụ ăn gì mình ăn đó”, bà nói.