Mới đây, cố vấn kinh tế Nhà Trắng – ông Larry Kudlowm khuyên TikTok tách khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc và hoạt động như một công ty Mỹ độc lập.

Hôm 15/7, ông Larry Kudlowm xác nhận chính quyền Tổng thống Trump đang nghiên cứu các rủi ro về an ninh quốc gia đến từ WeChat và TikTok, câu trả lời và hành động sẽ có trong thời gian sắp tới.

Hôm 16/7, trả lời phóng viên tại Washington cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết,  “Chúng tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhưng tôi nghĩ TikTok nên tách khỏi công ty chủ quản do Trung Quốc điều hành và hoạt động như một công ty Mỹ độc lập”.

(Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ)

Theo ông Kudlow gợi ý này sẽ là lựa chọn tốt hơn cho TikTok trong bối cảnh hiện tại, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tháng đề cập ý định cấm nền tảng được nhiều người trẻ ưa thích này, cùng một số ứng dụng khác của Trung Quốc như WeChat.

Ngoại giới nhìn nhận rằng, phát ngôn của cố vấn Nhà Trắng, bề ngoài dịu dàng nhưng ẩn chứa sức nặng của một bức tối hậu thư, rằng TikTok nên tự quyết cho tương lai của mình. Dụng ý phía Mỹ đã rõ ràng, chỉ có một lựa chọn, hoặc Washington hay Bắc Kinh, không thể có chuyện lập lờ đứng ở đôi bờ.

Trong khi đó, phản ứng về phát ngôn của Kudlow, đại diện TikTok cho biết công ty sẽ “không tham gia vào các hoạt động đầu cơ trên thị trường” .

Thời gian qua TikTok liên tục gặp bất lợi. Trong đầu tháng 7, nhóm hacker lớn nhất thế giới Anonymous nói Tiktok là “phần mềm gián điệp của Trung Quốc” và khuyên người dùng nên xóa ngay.

Trong khi đó, TikTok luôn phủ nhận các cáo buộc rằng họ chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh, khẳng định giám đốc điều hành của họ là người Mỹ.

Ứng dụng chia sẻ video nhanh TikTok của tập đoàn ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc, đã thu hút gần một tỷ người dùng trên toàn thế giới, ứng dụng có nhiều nghi ngờ về vấn đề an toàn và bảo mật thông tin người dùng.

Theo báo Người Đưa Tin, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson từng công bố một báo cáo nghiên cứu cho rằng, Tik Tok được thanh niên các nước yêu thích, sẽ tạo thành ẩn họa về an ninh trên toàn cầu. Bởi vì Tik Tok sẽ thu thập dữ liệu người dùng, và sẽ gửi những thông tin này về trụ sở chính ở Trung Quốc, sau đó chính phủ sẽ dùng để tạo ra phần mềm giám sát dễ dàng nhận biết khuôn mặt của người nước ngoài, hoặc từ những dữ liệu được phần mềm thu thập có thể lấy ra được thông tin tình báo quân sự phương Tây. Do đó, nếu phần mềm này được sử dụng trên diện rộng, có thể sẽ tạo thành vấn đề giống như Huawei.

New York Times dẫn các nguồn tin riêng cho biết chính quyền Trump đang cân nhắc sử dụng Đạo luật quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế để chống lại các công ty như TikTok. Đạo luật này cho phép tổng thống Mỹ có các biện pháp trừng phạt các công ty của nước khác “trước các mối đe dọa bất thường”.