Nhìn lại thế giới năm 2023
Những cuộc chiến chưa tìm ra thời điểm kết thúc, thiên tai, bất ổn chính trị nội bộ của Nga, Mỹ, Trung Quốc… góp phần định hình diện mạo thế giới năm 2023.
Nội dung chính
Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Khi thế giới vừa đón năm mới 2023 được hơn một tháng, thì một thảm họa thiên nhiên khủng khiếp đã giáng xuống Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia láng giềng Syria. Trận động đất 7,8 độ rittter rạng sáng ngày 6/2 đã trở thành một trong những đại địa chấn kinh hoàng nhất thế kỷ khi san phẳng toàn bộ thành phố ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hơn 50.000 người thiệt mạng; còn ở phía bên kia biên giới Syria, khoảng 6.000 người cũng bỏ mạng vì rung chấn.
Một trong những hình ảnh để lại ấn tượng sâu sắc nhất về trận động đất này bức ảnh chụp ở vùng Kahramanmaraş, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ảnh, ông Mesut Hancer ngồi giữa hiện trường đổ nát, tay trái nắm chặt một bàn tay của con gái ông – Irmak, 15 tuổi, người bị các mảng bê tông và gạch đá đè chết khi cô đang nằm trên giường trong căn hộ của họ. Nhưng trong thảm họa, những điều kỳ diệu cũng xuất hiện như một bé gái sơ sinh được giải cứu khỏi đống đổ nát trong khi vẫn chưa được cắt dây rốn khỏi người mẹ đã khuất. Hay cậu bé quay video sám hối từ biệt mọi người đã được cứu sống.
Chiến sự Nga – Ukraine
Cuộc chiến Nga – Ukraine bước sang năm thứ hai và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Chiến tranh khiến cả hai bên tham chiến tổn thất nặng nề về nhân lực cùng số lượng khí tài khổng lồ để lại trên chiến trường.
Trái với những tuyên bố lớn tiếng ban đầu, cuộc phản công của Ukraine bắt đầu từ tháng 6 đã thất bại; còn đồng minh phương Tây cũng ngày một trở nên đuối sức. Không thể hạ Nga bằng các gói trừng phạt, nội bộ chia rẽ vì vấn đề viện trợ cho Ukraine khiến cho giai đoạn cuối năm, phương Tây buộc phải tính đến khả năng rằng: Ukraine thất bại hoàn toàn, hoặc nguy cơ chiến tranh sẽ kéo dài nhiều năm nữa.
Cuộc chiến Israel – Hamas
Đối với hầu hết người dân thế giới, ngay cả với người dân Israel và Palestine, chiến sự ở Trung Đông bùng lên theo cách không thể ngờ. Ngày 7/10, hàng trăm tay súng của tổ chức khủng bố Hamas từ Gaza tràn qua biên giới Israel, giết chết khoảng 1.140 người, chủ yếu là dân thường và bắt khoảng 250 người làm con tin. Vụ thảm sát tồi tệ nhất trong lịch sử Israel khiến thế giới bàng hoàng và chấn động. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là ở chỗ, ở giai đoạn ngay sau sự việc, một số hãng truyền thông lớn và chính phủ không ít quốc gia còn từ chối gọi Hamas là tổ chức khủng bố.
Israel đáp trả bằng một chiến dịch không kích dồn dập ở Gaza, kế đó một cuộc tấn công trên bộ khiến toàn bộ khu dân cư phía Bắc Gaza trở thành đống đổ nát. Sau hai tháng tấn công dồn dập, với quãng nghỉ 1 tuần để hai bên phóng thích con tin, Israel tiếp tục tấn công, chuyển trọng tâm sang miền Nam Gaza nhằm quét sạch mạng lưới khủng bố của Hamas.
Cuộc chiến này đã gây ra sự chia rẽ thế giới, với thành phần gồm những quốc gia kêu gọi ngừng bắn, những quốc gia ủng hộ Israel và một số quốc gia trung lập. Các nghị quyết của Liên hợp quốc đưa ra về vấn đề Israel – Hamas cũng gây tranh cãi lớn giữa các quốc gia thành viên. Kéo theo cuộc chiến là những cuộc biểu tình rầm rộ tại các châu lục của những người ủng hộ người Do thái hoặc Hồi giáo.
Bất ổn chính trị nội bộ tại nhiều quốc gia
Năm 2023 tiếp tục ghi nhận sự bất ổn ở nhiều quốc gia châu Phi khi để xảy ra các cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính phủ dân sự, trong đó có Niger và Gabon. Việc các quốc gia nói tiếng Pháp ở châu Phi liên tiếp xảy ra đảo chính trong những năm gần đây, kéo theo việc quân đội Pháp bị buộc phải rút khỏi các quốc gia này cho thấy sức ảnh hưởng của châu Âu đã giảm đi đáng kể tại lục địa đen.
Làn sóng ngầm bất ổn chính trị cũng xuất hiện tại những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, chủ tịch Hạ viện Mỹ bị bãi miễn. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một cựu tổng thống – ông Donald Trump bị truy tố hình sự, dù ông không ngừng khẳng định rằng mình là “nạn nhân những cuộc săn phù thủy và điều tra giả”. Tuy nhiên, càng về cuối năm, tình thế được lật lại một cách ngoạn mục cho ông Trump, khi các thăm dò cho thấy ông bỏ lại đương kim tổng thống Joe Biden ở lại khá xa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Tại Nga, cuộc bạo loạn vũ trang ngày 23/6 do Yevgeny Prigozhin – người lãnh đạo Tập đoàn Quân sự tư nhân Wagner chỉ huy với hơn 25.000 tay súng cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, tên lửa tiến về phía Moscow. Dù cuộc binh biến này đã được chính quyền ông Putin dẹp loạn theo một cách êm ả nhất để tránh đổ máu, nhưng nó đã gây ra một sự xáo động nhất định trong lòng người dân Nga và thế giới.
Tại Trung Quốc, áp lực do nền kinh tế suy giảm đè nặng lên hàng triệu gia đình; bệnh dịch hô hấp tiếp tục hoành hành lấy đi sinh mạng rất nhiều người. Ở vĩ mô, bất động sản trở thành quả bom tự sát có thể phát nổ và phá hủy nền kinh tế Trung Quốc bất kỳ lúc nào.
Vượt qua ranh giới về sự đe nẹt chính trị, nhiều người dân Trung Quốc đã xuống đường biểu tình đòi quyền lợi. Tiếp theo phong trào biểu tình ‘giấy trắng’ cuối năm 2022; đầu năm 2023, cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người nghỉ hưu vì bị cắt giảm 70% trợ cấp y tế tại Vũ Hán đã khiến Bắc Kinh lo lắng. Chưa kể đến trong nội bộ giới lãnh đạo, vị trí Bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Ngoại giao cũng bị thay đổi một cách bất thường.
Tại Argentina, người dân đã bầu ứng viên theo đường lối cực hữu Javier Milei lên làm tổng thống, cho thấy xu hướng rời xa những nhà lãnh đạo theo đường lối xã hội chủ nghĩa ở nước này.
Ông Javier Milei là một nhà kinh tế được cho là người có nhiều điểm tương đồng với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Cũng chính ông Trump trong lời chúc mừng tới ông Javier Milei đã bày tỏ hy vọng rằng, tân tổng thống sẽ đưa đất nước Argentina vĩ đại trở lại; bởi một thế kỷ trước, Argentina đã từng là một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới, với đồng tiền được bảo đảm bằng vàng và GDP bình quân đầu người cao hơn Úc, Ý, hay Tây Ban Nha, những quốc gia từng cai trị họ.
Kinh tế thế giới tạm thoát khỏi cuộc đại suy thoái
Trước thềm năm 2023, hầu hết các chuyên gia đã dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. May mắn là viễn cảnh quá tiêu cực này đã không xảy ra.
Dù kinh tế thế giới phục hồi chậm, song GPD toàn cầu vẫn cán mức 2,9%. Thị trường chứng khoán Mỹ – với giá trị vốn hóa chiếm gần một nửa toàn cầu – đã tăng trưởng ấn tượng, với Dow Jones tăng 13,32%. Bên cạnh đó, lạm phát đang có xu hướng giảm nhiệt, tạo động lực cho các ngân hàng trung ương xem xét hạ lãi suất vào năm tới.
Với bộ đánh giá gồm 5 chỉ số kinh tế tài chính là GDP, lạm phát, việc làm và thị trường chứng khoán, tạp chí Economist đã tìm ra nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả nhất năm 2023. Và thật bất ngờ khi cái tên được xướng lên là Hy Lạp – một nền kinh tế từng sụp đổ hơn 10 năm trước. Tiếp theo trong danh sách những nền kinh tế phát triển ấn tượng nhất trong năm 2023 là Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Chile. Trong khi đó, rất nhiều quốc gia tăng trưởng chậm ở Bắc Âu, bao gồm Anh, Đức, Thụy Điển và Phần Lan.
BRICS kết nạp thêm thành viên
BRICS hiện gồm 5 quốc gia thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, song theo quyết định được đưa ra tại Nam Phi vào tháng 8 vừa qua, tới tháng 1/2024, khối này sẽ có sự tham gia của Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE. Tuy nhiên, với việc Argentina có tân tổng thống theo đường lối cựu hữu, khả năng nước này gia nhập BRICS còn bỏ ngỏ.
Việc mở BRICS khối nhằm tập hợp các quốc gia chiếm 30% GDP và 43% sản lượng dầu toàn cầu; với tham vọng sẽ tạo ra một đồng tiền chung trong khối đủ mạnh để có thể làm đối trọng với đồng đô la Mỹ.
NATO mở rộng
Trong bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine tiếp tục khốc liệt, việc NATO kết nạp thêm Phần Lan trong năm 2023 không chỉ gia tăng căng thẳng mối quan hệ giữa khối này và Moscow. Bên cạnh đó, nó còn tạo ra sự xáo trộn rất lớn với cấu trúc an ninh của Châu Âu sau hàng chục năm, bởi lẽ Phần Lan vốn là một quốc gia theo đường lối trung lập và quân sự trong 80 năm qua.
Không chỉ Phần Lan, mà có thể cả Thụy Điển cũng cùng gia nhập NATO nếu như không gặp sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai quốc gia này đều nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022. Chỉ hai tháng sau, tháng 7/2022, toàn bộ 30 nước thành viên NATO đã ký Nghị định thư về việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cản Thụy Điển có thể gia nhập NATO cùng thời điểm với Phần Lan. Bởi nước này muốn Thụy Điển phải tỏ thái độ rõ ràng hơn với Đảng công nhân người Kurd (PKK) mà nước này xem là “những phần tử khủng bố” và có liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016.
Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới
Tháng 4/2023, Liên Hợp Quốc dẫn số liệu cho thấy Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trung Quốc vốn giữ vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới ít nhất kể từ năm 1950, khi LHQ bắt đầu công bố dữ liệu dân số. Tuy nhiên, LHQ cho biết, vào ngày 1/1/2023 dân số Ấn Độ là 1.422.026.528 người và sẽ là 1.428.627.663 người vào ngày 1/7/2023, tăng hơn 6,6 triệu người. Trong khi đó, vào ngày 1/1/2023, Trung Quốc đứng ở vị trí số 1 với dân số 1.425.849.288 người, con số này dự kiến sẽ giảm xuống còn 1.425.671.352 người vào tháng 7 do Trung Quốc mất đi tổng cộng gần 178.000 người.
Theo tờ báo đa ngữ Visiontimes, dân số thực sự của Trung Quốc hiện tại vẫn đang là một nghi vấn lớn, đặc biệt là trong bối cảnh số người tử vong do đại dịch COVID-19 ở nước này được cho là một con số rất lớn, lên đến hàng trăm triệu người, trong khi chính quyền Bắc Kinh vốn được đánh giá cao bởi khả năng bịa tạo số liệu. Việc che giấu dịch và chỉnh sửa số người thiệt mạng do đại dịch của Bắc Kinh khiến việc có được số liệu dân số chính xác của Trung Quốc hiện tại vẫn là một thách thức lớn.