Oan hay không khi Việt Nam bị tước huy chương bạc điền kinh?
Khi Lò Thị Thanh chuẩn bị bước lên bục nhận huy chương bạc nội dung 10.000m nữ SEA Games, một đoàn thể thao bất ngờ lên tiếng khiến câu chuyện thành kịch tính.
Chiều 18/5, trên sân Mỹ Đình, Lò Thị Thanh và Phạm Thị Hồng Lệ đại diện điền kinh Việt Nam tham dự cự ly chạy 10.000m. Ngoài Lệ và Thanh, còn có thêm 5 vận động viên khác đến từ Singapore và Myanmar.
Trên đường chạy, Lò Thị Thanh dẫn đầu nhiều vòng. Sau đó, Lệ vượt lên; Thanh bám sát đồng đội để về nhì, giành huy chương bạc.
Kịch tính xảy đến, trong lúc Lò Thị Thanh chờ lên nhận huy chương, đội Singapore khiếu nại rằng VĐV nước chủ nhà đi giày không đúng quy định khi thi đấu.
Tại cuộc họp khẩn ngay sau đó, tiểu ban kỹ thuật bộ môn điền kinh tại SEA Games 31 nhất trí với khiếu nại từ phía Singapore. Họ vì thế huỷ thành tích của Lò Thị Thanh, và đôn các VĐV Se Mar Khin (Myanmar, 38 phút 22 giây 01) rồi Goh Chui Ling (Singapore, 39 phút 22 giây 26) lần lượt nhận huy chương bạc và đồng.
Vụ việc gây phản ứng mạnh trong dư luận, muốn tìm ra người chịu trách nhiệm. Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hùng – tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, nói: “Trước khi vào thi đấu, các vận động viên được ban tổ chức kiểm tra giày thi đấu xem có phù hợp và đúng quy định không. Tại khu vực kiểm tra này có trọng tài quốc tế của Liên đoàn Điền kinh châu Á.
Ban đầu các trọng tài quốc tế nói Lò Thị Thanh đi giày không phù hợp vì loại giày này có hỗ trợ thành tích cho vận động viên, họ yêu cầu Thanh đổi giày khác. Khi đó Thanh đã đổi giày và đi một đôi giày mới, trọng tài đã kiểm tra và đồng ý cho cô ra chạy.
Vậy nhưng khi thi đấu xong, đoàn Singapore kiện và tổng trọng tài của môn điền kinh sau đó lại quyết định hủy kết quả của Thanh”.
Liên đoàn Điền kinh châu Á nói gì?
Trái với ý kiến của điền kinh Việt Nam rằng cần xem xét lại, quan chức liên đoàn điền kinh châu Á khẳng định việc tước huy chương bạc của chủ nhà là không oan.
Theo VnExpress, sáng 19/5, ông Cuddikotta Valson – đại diện của Liên đoàn Điền kinh châu Á, trưởng tiểu ban kỹ thuật điền kinh SEA Games 31, nói rằng trọng tài làm đúng bổn phận.
“Quy định về giày cũng gần giống quy định về doping, theo đó VĐV phải hoàn toàn trong sạch khi vào thi đấu, và ban tổ chức không nhất thiết phải kiểm tra việc này trước cuộc thi, mà sẽ làm điều đó một cách ngẫu nhiên sau cuộc thi”, vị này nói. “Các trọng tài có thể kiểm tra một lần để xác định VĐV đi giày có hợp lệ không, nhưng họ không có nghĩa vụ kiểm tra lần nữa khi VĐV đã thay giày”.
Ông Valson nói thêm rằng: “Ở đây, VĐV của Việt Nam và HLV của cô ấy phải chịu trách nhiệm cho sự việc đáng tiếc này”.