Nếu quyết làm quốc lộ 13C đi qua khu sinh quyển thế giới, Đồng Nai sẽ mất 44 ha rừng quý hiếm.

Tháng 3/2022, với lý do phát triển kinh tế – giao thương, tỉnh Bình Phước đề xuất Chính phủ phê duyệt phương án mở rộng tỉnh lộ 753, làm cầu Mã Đà để kết nối tuyến đường Bà Hào- sân bay Rang Rang (Đồng Nai) với đường Đồng Xoài- Đồng Phú (Bình Phước) thành quốc lộ 13C. Theo phương án này, quốc lộ 13C sẽ đi qua lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Với chiều dài ước tính 40 km xuyên qua lõi Khu dự trữ, khoảng 44 ha rừng sẽ bị phá để phục vụ việc làm đường. Hậu quả có thể khiến việc bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị văn hóa bản địa tại Khu dự trữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều năm qua, chính quyền Đồng Nai không đồng ý với phương án này.

Phương án mở đường của Bình Phước (ảnh chụp màn hình VnExpress).
Phương án mở đường của Bình Phước (ảnh chụp màn hình VnExpress).

Một mặt, Đồng Nai đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam lên tiếng về việc làm quốc lộ xuyên qua khu dự trữ sinh quyển. Mặt khác, Sở Giao thông Vận tải tỉnh này đã đưa phương án mới để có thể vừa làm đường, vừa cứu rừng.

Theo VnExpress, Đồng Nai kiến nghị điều chỉnh tuyến tại vị trí giao đường ĐT 767 – ĐT 768, làm cầu Hiếu Liêm bắc qua sông Đồng Nai đi vào xã Hiếu Liêm, Vĩnh Cửu; xây cầu bắc qua sông Bé nối qua Tân Uyên (Bình Dương). Tuyến này xây mới thêm đoạn dài 25 km đi qua Bình Dương, Bình Phước kết nối đường ĐT 753 tại khu vực gần vị trí tỉnh Bình Phước đang đề xuất xây cầu Mã Đà.

Nếu theo phương án này, quốc lộ 13C sẽ dài hơn so với quy hoạch khoảng 20 km, song không đi qua khu dự trữ sinh quyển thế giới; có thể mở thêm không gian phát triển các khu đô thị, dân cư, công nghiệp… dọc hai bên đường.

Nói về việc làm đường qua rừng, Dân Việt dẫn lời ông Lê Việt Dũng, Phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai khẳng định việc xây cầu, làm đường QL13C sẽ tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái của khu dự trữ sinh quyển.

Ông Dũng nhấn mạnh rằng khu bảo tồn nằm cạnh hồ thủy điện Trị An có chức năng giữ nước, điều hòa khí hậu ngăn ngừa mưa lũ trên hệ thống sông Đồng Nai xuống hạ nguồn. Địa phương đã nỗ lực bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái, động vật rừng để giữ lại vẻ đẹp nguyên sinh không chỉ cho riêng Đồng Nai mà nhiều tỉnh phía Nam.

Ngoài ra, Unesco công nhận nơi đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới nên càng cần được bảo vệ nghiêm ngặt, thực hiện đúng các cam kết đã ký với tổ chức này.