Quân đội hùng hậu tập kết tại biên giới Trung-Ấn, Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh?
Sau các cuộc đụng độ và “ném đá” lẫn nhau giữa Trung Quốc và quân đội Ấn Độ ở khu vực biên giới Sikkim, tin tức mới nhất cho biết, quân đội hùng hậu của Trung Quốc đã tập kết ở biên giới Trung-Ấn, trong khi Ấn Độ đã triển khai quân đội đến đóng quân ở khu vực này chuẩn bị chiến đấu.
Tổng hợp tin tức từ truyền thông thế giới vào ngày 24/5 cho thấy, các cuộc đàm phán giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc về việc chấm dứt tình hình căng thẳng ở khu vực tranh chấp biên giới đang rơi vào bế tắc. Các quan chức an ninh cấp cao của Ấn Độ cho hay, sự kiện biên giới đang ở thế “căng như dây đàn” kể từ năm 2015 trở lại đây.
Vị quan chức giấu tên này nói, các quan chức quân sự cấp trung của Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc đối thoại nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng vào ngày 18 và 20/5, nhưng không đạt được tiến triển đột phá. Sau cuộc đàm phán, Đường kiểm soát thực tế (LAC) của khu vực tranh chấp Ladakh vẫn đang gây tranh cãi và chưa được giải quyết, hai bên vẫn kiên quyết giữ quan điểm riêng về vấn đề hồ Pangong Tso.
Có 3498 km đường biên giới không xác định giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã âm mưu thu hẹp đường kiểm soát của Ấn Độ và tăng phạm vi kiểm soát của Trung Quốc, khiến phía Ấn Độ không thể chấp nhận được.
Quân đội Ấn Độ đã thực hiện các đối sách cần thiết để ứng phó với sự xâm lược dai dẳng của ĐCSTQ. Sau khi Tư lệnh Quân đội Ấn Độ thị sát tiền tuyến, đã ra lệnh tăng cường binh lực ở phía đông Ladakh, và điều một số tiểu đoàn bộ binh từ những nơi khác đến đóng quân để đảm bảo rằng họ có thể chiến đấu với quân đội ĐCSTQ bất cứ lúc nào. Sư đoàn bộ binh Leh ở Ladakh, cùng các đơn vị khác cũng đã đóng quân vĩnh viễn trong khu vực tiền tuyến để sẵn sàng chiến đấu.
Được biết, mỗi sư đoàn bộ binh ở Ấn Độ có khoảng 10.000 đến 12.000 quân. Hiện tại, hai nước đều đang tăng cường thêm quân đến áp sát biên giới. Hai bên đối đầu nhau tại hai nơi đang tranh chấp là sông Galwan và hồ Pangong Tso.
Sông Galwan là một trong những tác nhân khởi đầu của Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 và hồ Pangong Tso là một hồ nước ngầm ở độ cao 4267,2m so với mực nước biển, nằm trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với một phần diện tích hồ.
Thông tin mà phía Ấn Độ có được cho thấy, Trung Quốc tập kết càng nhiều quân đội ở biên giới, thì hành vi càng mang tính xâm lược. Qua đánh giá, quân đội phía Trung Quốc không phải do chỉ huy địa phương phái đi, mà nhận chỉ thị của quân đội cấp cao của ĐCSTQ và Bộ Tư lệnh Chiến khu Tây Bộ.
Trong khi các cuộc đàm phán giữa hai nước đang bế tắc, Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ với ĐCSTQ. Alice Wells, một quan chức ngoại giao cao cấp, trợ lý bộ trưởng ngoại giao về các vấn đề Nam và Trung Á tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào ngày 20/5 rằng, các cuộc xung đột nhắc nhở chúng ta rằng dù đó là Biển Đông hay biên giới Trung-Ấn, sự xâm lược của ĐCSTQ không phải là chỉ bằng lời nói, chúng ta tiếp tục thấy các hành vi khiêu khích và gây rối của ĐCSTQ.
Trước đó vào đầu tháng 5, binh lính Trung Quốc và binh lính Ấn Độ đã xảy ra xung đột “chân tay” ở khu vực biên giới Sikkim, hai bên đấm đá và ném đá vào nhau.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin, vào ngày 5/5, tại hồ Pangong Tso thuộc khu vực Ladakh biên giới Trung-Ấn, quân đội của ĐCSTQ và quân đội Ấn Độ đã xảy ra đụng độ, hai bên không sử dụng vũ khí, mà ném đá vào nhau, tổng cộng 250 người tham gia vào cuộc hỗn chiến, dẫn đến thương tích cho 7 binh sĩ Trung Quốc và 4 binh sĩ Ấn Độ.
Vào ngày 9/5, quân đội ĐCSTQ và quân đội Ấn Độ lại xảy ra một cuộc xung đột ở Sikkim, phía bắc Ấn Độ. Sau đó, các chỉ huy quân sự của hai nước trong khu vực biên giới đã liên lạc trực tiếp để giải quyết tranh chấp, nhưng không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp.
Trung Quốc và Ấn Độ đã từng xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962. Mặc dù quân đội ĐCSTQ giành được thắng lợi lớn, nhưng sau đó đã nhanh chóng rút khỏi hầu hết các khu vực tranh chấp. Hai bên đã không ký thỏa thuận biên giới, đó chính là nguyên nhân cho các cuộc xung đột sau này.
Năm 2017, binh lính của cả hai bên cũng đối đầu ở khu vực hồ Pangong Tso – phía tây biên giới giữa hai nước, lúc đó gần như sắp xảy ra một cuộc xung đột vũ trang.
Các chuyên gia quan sát vấn đề Trung Quốc-Ấn Độ chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới và các khu vực lớn hơn trong phạm vi có liên quan. Chính điều này đã trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa hai nước, dẫn đến sự đối đầu liên tục giữa biên giới hai nước.
Nguồn: https://tinhhoa.net/chuan-bi-khai-chien-quan-doi-hung-hau-cua-tq-tap-ket-tai-bien-gioi-trung-an.html