Thực phẩm giả, thuốc kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ nhỏ và người bệnh khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều vụ việc đã bị khởi tố, bắt giam, trong khi các bộ ngành đang gấp rút siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi trên sức khỏe nhân dân.

Liên tiếp phát hiện các vụ sản xuất, buôn bán sữa và thuốc giả

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra chiều 6/5, báo chí đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến các vụ việc sữa giả, thuốc giả mà Thủ tướng đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 15 đối tượng liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và đưa – môi giới hối lộ.

Trong một vụ khác, ngày 28/4/2025, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 4 bị can của Công ty TNHH Herbitech – đơn vị sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe bằng hồ sơ thử nghiệm giả mạo. Các đối tượng bị cáo buộc lập hai hệ thống sổ sách để trốn thuế và đã gây thiệt hại cho ngân sách hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt, hai sản phẩm bảo vệ sức khỏe bị xác định là hàng giả, cùng 115 mẫu sản phẩm đang chờ kết quả giám định.

Sữa giả, thuốc giả được phân phối qua những “kênh đặc biệt”

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng (Ảnh: VOV).

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định, vụ việc sữa giả là rất nghiêm trọng, bởi các sản phẩm này ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em và người bệnh – nhóm đối tượng đặc biệt cần dinh dưỡng an toàn.

Theo ông Thuấn, các tổ chức, cá nhân liên quan đã vi phạm đạo đức kinh doanh một cách nghiêm trọng, “bắt tay nhau thiết lập đường dây có tổ chức để trục lợi trong thời gian dài, bất chấp pháp luật và sức khỏe cộng đồng.”

Việc phát hiện sữa giả, thuốc giả rất khó khăn do chúng được phân phối qua các kênh kín đáo, không chính thống, kéo dài thời gian trước khi bị phát hiện.

Lỗ hổng trong cơ chế tự công bố sản phẩm

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chỉ rõ: theo quy định hiện hành, thực phẩm dinh dưỡng, đặc biệt là sữa dành cho trẻ em, bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Tuy nhiên, cơ chế “tự công bố” được áp dụng với thực phẩm bổ sung lại đang bị lợi dụng để đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường.

Sau khi phát hiện vụ việc, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 832 ngày 23/4/2025, chỉ đạo các địa phương kiểm tra, thu hồi 12 sản phẩm sữa giả, đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng 72 sản phẩm sữa đang bị điều tra.

Giám sát yếu, phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ

Hiện nay, trách nhiệm quản lý thực phẩm chức năng trải rộng giữa nhiều bộ, gồm: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, Bộ Y tế chủ yếu giữ vai trò hướng dẫn tiêu chí, tiêu chuẩn, còn việc giám sát chủ yếu được phân cấp cho địa phương.

Tuy nhiên, ông Thuấn thẳng thắn thừa nhận: nguồn lực giám sát còn mỏng, không đáp ứng thực tế, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý không kịp thời.

Sẽ sửa Luật, siết chặt quản lý ngành thực phẩm, dược phẩm

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đang phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan – đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Công Thương – triển khai các giải pháp mạnh. Bộ đã trình Chính phủ Luật Dược sửa đổi và sắp tới sẽ trình tiếp Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, cùng các nghị định liên quan.

Trong quá trình xây dựng, Bộ Y tế cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và doanh nghiệp để hoàn thiện cơ chế quản lý, không để lọt lưới những sản phẩm giả mạo, kém chất lượng.

Theo: VOV