Ở đời dường như chúng ta đều nỗ lực xác định vị trí trong lòng người thân, bạn bè và xã hội.

Có thể ta luôn cố gắng cho đi, sẵn sàng giúp giải quyết các vấn đề khác nhau cho nhiều người xung quanh.

Nhiều người nói rằng có ta trong cuộc đời là một điều may mắn. Và rồi nhiều người hơn, với nhiều vấn đề hơn nữa… trong khi đó ta cũng có rất nhiều mục tiêu cho tương lại, sự nghiệp. Làm thế nào để có thể làm được nhiều hơn nữa những điều mà ta mong muốn.

“Không” là ích kỷ hay là thực tế

Người thành đạt biết rằng sai lầm phổ biến nhất là không biết nói “không.” Để có tinh lực xử lý các vấn đề quan trọng bắt đầu bằng một kỹ năng rất đơn giản và một thay đổi nhỏ nhỏ: Học cách nói “không.”

Đôi khi chúng ta hy sinh bản thân chỉ để làm hài lòng người khác. Cuộc sống thường ngày luôn đầy ắp công việc, trách nhiệm gia đình và trách nhiệm xã hội, khiến thời gian trôi đi nhanh chóng. Học cách nói không, là một trong những giải pháp tối ưu. Hãy quý trọng bản thân và thời gian cá nhân. Tĩnh tại là nền tảng vững chắc để xử lý muôn việc ở đời.

Các mục tiêu quan trọng cần được ưu tiên, nếu dàn trải nguồn lực để đáp ứng kỳ vọng của mọi người rất có thể sẽ không có được thành quả mong muốn. Và rồi ta cảm thấy kém cỏi, kiệt sức và không xứng đáng. Hãy tập trung vào nền tảng bản thân, ta sẽ có được thành công, động lực và hạnh phúc, cũng như khả năng lan truyền những điều tốt đẹp này cho những người xung quanh.

“Tôi không làm” khác với “tôi không thể”

Các chuyên gia cho rằng thông điệp “tôi không thể” ẩn tàng yếu tố tâm lý tiêu cực, trong khi đó “tôi không làm” thể hiện sức mạnh tâm lý.

Khi bạn nói “Tôi không thể,” kiểu dạng ám chỉ rằng bạn không có khả năng làm điều gì đó, là một dạng tâm lý thụ động. Dần dần hình thành tập quán, thói quen và rồi bạn phát hiện ra rằng mình không còn có khả năng chủ động để làm, để thay đổi gì nữa.

Khi bạn nói “Tôi không làm,” bạn khẳng định rằng mình đã đặt ra một quy tắc và không cần phải nghi ngờ về quyết định của bạn. Tôi không làm là một sự tự khẳng định sức mạnh cá nhân và là một trạng thái tâm lý tích cực.

Hai cách biểu đạt không chỉ đơn thuần là câu chữ, chúng khẳng định niềm tin vào bản thân và là lời nhắc nhở về kế hoạch, về những lý do khiến kế hoạch cần được thực hiện. Hãy đặt mình ở vị trí chủ động và có sự lựa chọn sáng suốt.

Nói “không” với sự tin cậy và tôn trọng

“Mất lòng trước còn hơn được lòng sau” Từ chối còn hơn là nhận lời mà không làm được, chỉ khiến cho thất vọng càng thêm thất vọng.” Bằng việc nói “không” thực ra là đang khuyến khích người ta tự lập. Nếu không có giúp đỡ, họ sẽ phải tìm cách tự giải quyết vấn đề của mình. Kinh nghiệm và sự trưởng thành đến từ thực tế.

Chẳng nên tốn quá nhiều thời gian cho những câu trả lời nước đôi kiểu “có thể”, “có lẽ”, điều đó không hề có ích chút nào. Cứ thẳng thắn và trực tiếp nói “Không”, một lời từ chối nghiêm túc mang theo ý nghĩa tôn trọng cả bản thân lẫn đối phương.

Bạn không thể làm hài lòng tất cả!

Nói “không” thật không dễ dàng, nhưng đó là một cơ hội trưởng thành. Thường người ta không muốn làm người khác thất vọng, ngại gây bất hòa và chia rẽ. Thực ra phản ứng với thông điệp “không” phụ thuộc rất nhiều vào cách biểu đạt, quan điểm tiếp cận vấn đề.

Đừng ngại từ chối, bởi vì khi người ta đưa ra yêu cầu trong lòng họ đã dự trù hai khả năng có thể xảy ra, vì thế đồng ý hay từ chối, đều nằm trong tiên liệu rồi.

Ta chẳng thể làm hài lòng tất cả mọi người. Hãy tự giúp bản thân, bảo tồn một năng lượng tích cực và đó chính là món quà quý giá cho môi trường xung quanh.

Học cách từ chối một cách thẳng thắn nhưng lịch thiệp, sự kiên định và rõ ràng không mang lại sự hiểu lầm, mà khiến mọi người hiểu nhau hơn, sự phối hợp trở nên tốt hơn.

Hãy bắt đầu dành thời gian làm những việc bạn muốn, đừng để mình ngập đầu trong vô số những điều bạn không muốn nhé.