Tân binh Nga tiết lộ: ‘Mọi người đều say, không có đồng phục, không có thức ăn’
Quá trình tiếp nhận tân binh tại Nga dường như đang diễn ra rất lộn xộn. Một số lính mới cho biết họ không có thức ăn, không có đồng phục, phải dùng tiền của bản thân để sống qua ngày. Thông tin này có trong báo cáo ngày 9/10 của RFE.
Trong tiếng Nga, những người lính mới được điều động được gọi là mobiki. Một số tân binh tiết lộ rằng họ không có thức ăn và nước uống trong khi chờ lệnh. Các video cho thấy các sĩ quan hậu cần bảo các tân binh nghĩa vụ phải tự mua thiết bị cho mình, hoặc tự mang đồ sơ cứu từ tủ thuốc của nhà mình, thậm chí là đồ dùng vệ sinh cá nhân từ nhà. Một số binh sĩ đã đăng video lên mạng xã hội để phàn nàn về điều kiện nghèo nàn và vô tổ chức sau khi họ nhập ngũ.
Trong khi đó, ngày càng có thêm các tân binh tử vong dù chưa ra chiến trường. Một số người bị cho là “tự tử”. Một số trường hợp chết không rõ nguyên nhân. Ít nhất 16 người đã chết, kể từ khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh động viên quân sự một phần vào ngày 21/9.
Một số người Nga cho biết họ không rõ người thân của mình đã qua đời như thế nào. Một trường hợp là tân binh Aleksandr Koltun, mất mạng chỉ 9 ngày sau khi làm nhập ngũ.
Mẹ của anh, bà Yelena Gudo, nói với RFE: “Chúng tôi vẫn chưa biết điều gì thực sự đã xảy ra ở đó”.
“Tôi không muốn để con tôi đi”, bà Gudo chia sẻ. Bà và con dâu đã cố khuyên ngăn Koltun, nhưng anh cho rằng, mình đi nghĩa vụ càng sớm, thì càng được trở về sớm. Rốt cuộc anh đã vĩnh viễn ra đi, để lại mẹ, vợ và 6 người con (trong đó có 4 người con riêng của vợ).
Anh Koltun từng phục vụ trong Lực lượng Dù của quân đội Nga. Sau khi rời quân ngũ, anh mở một cửa hàng giày. Theo lệnh động viên của ông Putin, anh Koltun trở thành ứng cử viên hàng đầu bị điều động vào quân ngũ.
Koltun đã gọi cho người thân của mình từ Novosibirsk, nơi anh và những người đàn ông khác từ Bratsk được gửi đến để đào tạo thêm.
Bà Gudo cho biết con trai bà đã mang theo 7.000 rúp (khoảng 2,7 triệu đồng) đến Novosibirsk. Nhưng khi anh gọi điện vào ngày 2/10, anh đã không còn tiền nữa.
Anh Koltun kể rằng tại khu tập trung, có những người không rõ danh tính đang bán vodka “dởm”, mà lính nghĩa vụ đã uống rất nhiều. Koltun nói anh không uống.
“Nhưng cái quái gì đang xảy ra ở đó?”, bà ấy hỏi con trai.
Koltun cho biết ở đó “hoàn toàn là một mớ hỗn độn”.
“Chúng con đi đi lại lại, mọi người đều say xỉn, họ không cho chúng con đồng phục, không cho thức ăn”.
Bà Gudo cho biết: “Con tôi nói rằng nó chỉ ăn những gì nó mang từ nhà. Làm sao điều này lại có thể xảy ra trong quân đội?”.
Bà cho biết vào ngày 3/10 họ nhận được một bức ảnh chụp Koltun ở Novosibirsk, thông qua một người bạn của anh cùng đi nghĩa vụ. Trong bức ảnh gửi qua WhatsApp, Koltun ngồi trên bê tông, co ro vì đau đớn, và chờ xe cấp cứu.
“Con tôi gần đây đã được chẩn đoán mắc chứng thoát vị, nhưng nó tin rằng điều đó sẽ không cản trở gì việc nhập ngũ. Nó không quan tâm đến những thứ như vậy. Nhưng tôi không thể tin rằng không có chăm sóc y tế trong suốt cuộc vận động! Họ thậm chí còn không được kiểm tra y tế cơ bản”.
Bà Gudo cho biết cả bà và con dâu – vợ của Koltun – đều không nhận được bất kỳ thông báo chính thức hay lời chia buồn hay lời giải thích nào từ những người tuyển quân.
Bà Gudo cho biết họ được các quan chức thông báo rằng thi thể con trai bà sẽ được đưa từ Novosibirsk về Bratsk vào ngày 10/10. Gia đình bà phải trả một hóa đơn trị giá 180.000 rúp (khoảng 69 triệu đồng) cho chi phí vận chuyển.
Các quan chức thành phố đã đề nghị sẽ bồi thường cho họ về chi phí vận chuyển, theo bà Gudo.
“Chúng tôi vẫn chưa có giấy chứng tử. Có vẻ như con tôi bị đau tim, nhưng trước đó nó không có vấn đề gì về tim”, bà nói.
“Sao có thể như thế được?” cô ấy nói. “Đây là sự huy động.”
Tân binh Nga trở về trên cáng
Anh Denis Kozlov, 44 tuổi, nằm trong nhóm nam giới đầu tiên được huy động từ quận Argayshsky, miền trung Chelyabinsk, vào ngày 27/9.
Mẹ anh, bà Zoya cho biết quá trình tuyển quân không có người khám sức khỏe, con bà đã phải tự mang các giấy tờ y tế của mình.
Ba ngày sau, Kozlov được trở về nhà, trong xe cấp cứu và nằm trên cáng.
“Tôi chạy sang hàng xóm, nhờ giúp đỡ để đưa Denis ra khỏi xe cấp cứu”, bà Zoya nói. “Con tôi không thể tự mình đi lại. Nó vẫn còn tỉnh táo, nhưng ngay cả tôi và cha tôi cũng không thể nhận ra nó ngay lập tức.”
Kozlov qua đời không lâu sau đó. Mẹ anh nghi ngờ đó không phải nguyên nhân tự nhiên.
“Mũi của con tôi bị gãy khi được đưa về nhà”, bà nói. “Tất cả những người hàng xóm nhìn thấy nó, và bụng nó tím xanh. Tôi chắc chắn rằng nó đã bị đánh ở đó, và đánh rất đau. Nhưng bây giờ tôi không thể chứng minh bất cứ điều gì! Tôi đã sống cả đời ở đây và tôi biết họ sẽ ‘điều tra’ như thế nào”.
“Tôi không có bất kỳ mảnh giấy nào để chứng minh rằng con trai tôi bị đánh và không chết vì bệnh tật”, bà nói.
Kozlov được an nghỉ vào ngày 3/10, ba ngày sau khi về nhà.
So với tổng số người được huy động vào quân ngũ, thì số người tử vong – do ngẫu nhiên hay vì lý do nào khác – chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, những vụ việc này đã gây tiếng vang lớn đối với các gia đình và làm xói mòn niềm tin vào hệ thống chiêu mộ tân binh Nga, theo RFE.
Có thể bạn quan tâm: