43 người trên chiếc tàu cá Quảng Ngãi lênh đênh ở Biển Đông; bất ngờ, họ bị tấn công bởi một nhóm khoảng 10 kẻ trang bị vũ khí.

Cướp rồi ép làm hành vi kỳ quặc

Sự việc này xảy ra đã gần một tháng trước, từ ngày 16/4, nhưng theo báo giới trong nước, thì tới ngày 9/5, nó mới được thuyền trưởng tàu cá bị tấn công khai báo. Theo những gì được công bố, thuyền trưởng Ngô Thanh Vinh cho biết, tàu QNg 90918 TS của ông bị tàu nước ngoài tấn công, cướp tài sản xảy ra khoảng 10 giờ ngày 16/4 tại vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Khi đó, xuất hiện 1 tàu sắt ngoại quốc mang số hiệu 3915 chở theo một số người có trang bị vũ khí áp sát tàu cá của ông.

Chi tiết quan trọng có thể thấy trong lời khai của ông Vinh là dù trên tàu sắt có khoảng 10 người, những chúng dám tấn công cùng thời điểm không chỉ có tàu cá 43 người của ông Vinh mà còn uy hiếp 2 tàu cá Việt Nam khác. Điều đó cho thấy một thái độ nghênh ngang khác thường của nhóm người này so với những toán cướp nhỏ lẻ tấn công theo kiểu “đánh nhanh, rút gọn”. “Đây không phải là thể hiện sự liều lĩnh mà là chứng tỏ ‘kẻ cướp’ rất ngông nghênh vì có một sự hậu thuẫn lớn”, một nhà quan sát đưa nhận định.

Vẫn theo thuyền trưởng Vinh, có 7 người trên tàu sắt dùng ca nô rượt đuổi, khống chế tàu QNg-90918 TS. Ông Vinh kể: “Nó lên tàu giật tay số, tay ga cho máy đứng lại rồi lùa hết anh em trên tàu về phía trước mũi khống chế. Chúng điều tra bao nhiêu người, lục soát không để ai trốn trong khoang máy. Một thằng đi cùng bảo tôi nộp cho nó 10 ngàn USD nhưng tôi không có tiền, không nộp. Chúng yêu cầu đưa điện thoại, đồng hồ, nhẫn, dây chuyền cho nó. Lục soát không có những đồ vật theo yêu cầu, chúng cẩu mực khô đưa xuống ca nô, chở về tàu sắt”.

Có một chi tiết quan trọng nữa trong lời tường trình của thuyền trưởng tàu cá Quảng Ngãi, là sau khi khống chế các thuyền viên, nhóm người lạ mặt này ép ông Vinh qua tàu sắt ký giấy tờ. Không làm theo yêu cầu kỳ quặc này, ông Vinh bị chúng đánh đập. Đây là hành động rất có chủ đích của nhóm người này, cho thấy đây không chỉ đơn thuần là một vụ cướp tài sản trên biển mà còn những dụng ý khác.

Thuyền trưởng Vinh tường trình, ông bị nhóm người trên tàu sắt ép sang thuyền của họ và phải ký vào giấy tờ chuẩn bị sẵn).
Thuyền trưởng Vinh tường trình, ông bị nhóm người trên tàu sắt ép sang thuyền của họ và phải ký vào giấy tờ chuẩn bị sẵn. Không làm theo, ông Vinh bị chúng đánh đập (ảnh chụp màn hình báo VTC).

“Tàu lạ” đến từ đâu?

Mặc dù đến nay giới chức Việt Nam cho biết “đang điều tra vụ việc” và chưa công bố cụ thể lai lịch của chiếc “tàu lạ” cũng như nhóm côn đồ càn rỡ kia; nhưng sâu chuỗi tường trình của ông thuyền trưởng Vinh, có thể nhận thấy rất nhiều điều trùng hợp xảy ra trong quá khứ. Mà các dữ liệu này đều có liên quan đến Trung Quốc. Bởi lẽ, trong quá khứ, việc tàu Trung Quốc cướp rồi ép ký với các tàu cá Việt Nam vốn là điều không lạ, nếu như không muốn nói là phổ biến đến mức đã thành một điển hình cho sự bắt nạt láng giềng trên biển; khiến cả thế giới đều khinh ghét, duy chỉ chính quyền Trung Quốc là tâm đắc tự hào.

Có thể lật lại một số sự vụ làm dẫn chứng. Vào hồi tháng 6 năm 2020, chiếc tàu QNg 96416 của Quảng Ngãi với một thủy thủ đoàn gồm 15 người đã bị một chiếc tàu sắt Trung Quốc mang số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi, liên tiếp đâm vào làm cho hư hỏng và lật nghiêng, khiến các ngư dân phải nhảy xuống biển thoát thân.

Phía Trung Quốc sau đó đã vớt một số ngư dân Việt Nam đưa trở về tàu cá, tra xét, lấy nhiều ngư cụ và hải sản trên tàu, đánh đập thuyền trưởng vì không chịu ký vào giấy tờ do phía Trung Quốc đưa ra, trước khi cho tàu cá rời đi.

Giấy tờ ép ký là gì?

Vậy những giấy tờ phía Trung Quốc muốn các thuyền viên Việt Nam phải ký hoặc điểm chỉ là gì? Theo một bài báo đăng tờ Thanh Niên, vào tháng 10 năm 2019, khi tàu cá QNa – 90569 TS của Quảng Nam đang gặp nạn tại vùng biển Việt Nam, thì có hai tàu Trung Quốc xuất hiện. Một ngư dân kể lại: “Sau khi bắt 12 ngư dân dồn về mũi tàu để kiểm tra, chúng nói chúng tôi đánh bắt vi phạm chủ quyền vùng biển của Trung Quốc rồi bắt ép ký vào một tờ giấy với nội dung “đánh bắt vi phạm vùng biển của Trung Quốc”, nhưng trong khi đó chúng tôi đâu đánh bắt.” Một ngư dân khác trên tàu cá kể, khi thời điểm hai tàu Trung Quốc tiếp cận hầu hết ngư dân ai cũng lo sợ. Lo sợ rằng sẽ bị đánh đập cũng như cướp tài sản trên tàu.

Thuyền trưởng Vinh kê khai thiệt hại với lực lượng biên phòng sau khi bị tàu  90918 TS bị cướp (ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong).
Thuyền trưởng Vinh kê khai thiệt hại với lực lượng biên phòng sau khi bị tàu 90918 TS bị cướp (ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong).

Việc tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc uy hiếp, cướp bóc trắng trợn đã không còn là chuyện lạ trên Biển Đông. Ngư dân Võ Lâm ở Quảng Ngãi kể, suốt hàng chục năm lặn biển ở Hoàng Sa, số lần tàu của ông va chạm với tàu Trung Quốc nhiều không đếm xuể. Lắm lúc, tàu của ông bị những kẻ vô nhân tính trên tàu Trung Quốc vơ vét, cướp cạn tôm cá. Những kẻ cướp càng ngày càng táo tợn hơn. Có lần ông bị cướp cả cano và ngư cụ phục vụ cho nghề lặn nên thiệt hại lên tới hơn 200 triệu đồng. Theo các ngư dân vùng biển miền Trung, những chuyến ra khơi của họ rồi sẽ còn khó khăn và bất trắc hơn khi Trung Quốc ngày một lộng hành và ngang ngược.