Thế giới 8/1: Hơn 300 triệu ca F0 trên toàn cầu; Khủng hoảng Kazakhstan bùng cháy từ giá nhiên liệu
Thế giới vượt mốc 300 triệu người nhiễm Covid-19. Nguy cơ nhập viện vì Omicron thấp hơn, nhưng số ca nhiễm tăng vọt có thể áp đảo các hệ thống y tế…
Dưới đây là các tin thế giới nổi bật ngày 8/1/2022:
Nội dung chính
Thế giới có hơn 300 triệu người nhiễm Covid-19
Tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 300 triệu người vào hôm thứ Sáu (7/1), theo AFP.
Trong vòng 7 ngày qua, có 34 quốc gia ghi nhận mức kỉ lục về số ca nhiễm mới trong tuần. Trong đó có 18 nước châu Âu, 7 nước châu Phi.
Tính đến ngày 7/1, tổng số ca tử vong trên toàn cầu là gần 5,5 triệu người.
Cơ quan y tế công cộng của Pháp hôm 7/1 cho biết nguy cơ nhập viện thấp hơn khoảng 70% đối với Omicron, theo dữ liệu từ Mỹ, Anh, Canada và Israel.
Tuy nhiên, với việc thế giới trung bình có thêm khoảng hai triệu ca bệnh mới mỗi ngày, các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm Omicron có thể áp đảo các hệ thống y tế của các nước.
Tập Cận Bình ra lệnh ‘chiến đấu và chiến thắng’
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ban hành một mệnh lệnh quân sự mới nhằm tạo ra một lực lượng tinh nhuệ có thể “chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh”.
Mệnh lệnh này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các quốc gia khác ngày càng có nhiều cảnh báo về các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc gần Đài Loan và trên Biển Đông, theo The Defense Post.
Cuộc khủng hoảng Kazakhstan cho thấy rủi ro khi giá nhiên liệu tăng
Các cuộc biểu tình tại Kazakhstan ban đầu xuất phát từ việc phản đối tình trạng giá nhiên liệu tăng cao. Sau đó nỗi bất bình lan sang chế độ cầm quyền, dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay.
Nỗi bất bình chủ yếu nhắm vào cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev, người nắm quyền từ khi Kazakhstan độc lập vào năm 1991 cho đến năm 2019.
“Tình hình bất ổn chết người làm rung chuyển Kazakhstan trong tuần này đã đặt ra lời cảnh báo cho các nhà chuyên quyền trên toàn thế giới về những gì có thể xảy ra nếu họ không bảo vệ người dân khỏi giá năng lượng tăng vọt”, Nikkei phân tích.
Campuchia trở thành trung tâm hậu cần quốc tế tại ASEAN
Nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon sẽ cung cấp dịch vụ hậu cần quốc tế tại Campuchia, theo Nikkei.
Công ty con Aeon Mall có kế hoạch xây dựng một trung tâm hậu cần rộng khoảng 30.000 mét vuông trong một khu kinh tế đặc biệt gần cảng phía nam Sihanoukville. Nó đặt mục tiêu khởi động hoạt động kinh doanh vào năm tài chính 2023, cung cấp dịch vụ lưu trữ hàng nhập khẩu, thông quan và hỗ trợ bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới.
Ấn Độ, Trung Quốc sắp đàm phán biên giới vòng thứ 14
Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tổ chức vòng đàm phán quân sự hàng đầu lần thứ 14 vào ngày 12/1 sắp tới. Các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tình trạng đối đầu quân sự ở biên giới tranh chấp Ladakh giữa hai nước.
Hiện mỗi bên duy trì khoảng 50.000 binh sĩ đối đầu với nhau trong mùa đông khắc nghiệt thứ hai liên tiếp.