Trang tin BenarNews dẫn hình ảnh chụp từ vệ tinh gần đây nhất cho thấy Trung Quốc đang nạo vét phi pháp tại bãi đá trong đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm mở rộng góc tây bắc của hòn đảo này.

Những hình ảnh chụp vệ tinh từ ngày 17/4 – 25/6 cho thấy một bãi đá ngầm cạn ven bờ ở phía tây bắc đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa bị nạo vét một khoảng lớn ở giữa. Một số dãy đất mới có thể làm nền móng cho việc bồi đắp đất thêm để mở rộng đảo Phú Lâm.

xây trái phép
Ảnh chụp vệ tinh từ ngày 17/4 – 25/6 cho thấy sự thay đổi tại một góc ở đảo Phú Lâm – ảnh trên Một thế giới.

Ngoài ra, hình ảnh chụp ngày 8/5 có thể cho thấy cần cẩu và máy móc hạng nặng đang làm việc tại cùng địa điểm nói trên và nạo vét cát khỏi những khu vực cạn của đảo Phú Lâm để tạo ra cấu trúc mới.

Đối với Bắc Kinh, hoạt động nạo vét và bối đắp đắp là những công cụ quan trọng phục vụ cho tham vọng địa chính trị ngày càng lớn. Hiện nay chưa có một quốc gia nào có hoạt động nạo vét, bồi đắp trái công ước quốc tế như Trung Quốc.

Trung Quốc đã ngang nhiên thực hiện chiến dịch nạo vét, bồi đắp đất phi pháp quy mô lớn từ năm 2014 nhằm tạo ra những đảo nhân tạo mới ở Biển Đông, phá hủy môi trường tự nhiên và quân sự hóa những thực thể nước này chiếm đóng.

chiếm đóng
Đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và biến thành trung tâm hành chính – ảnh trên Một thế giới.

Trong thập niên qua, các công ty Trung Quốc đã chế tạo khoảng 200 tàu với kích cỡ lớn và độ tinh xảo hơn. Năm 2013, Rabobank, một công ty Hà Lan, cho biết ngành công nghiệp nạo vét Trung Quốc đã trở thành quy mô nhất thế giới. Các công ty Trung Quốc mang lại nhiều doanh thu từ việc nạo vét trong và ngoài nước.

Chiến dịch này dường như đã lắng xuống vào cuối năm 2017, nhưng những hoạt động nạo vét quy mô nhỏ như trên vẫn núp bóng tiếp diễn.

Cùng với việc Trung Quốc tiếp tục có nhiều hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông, trong đó có vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa hôm 2/4. Bắc Kinh ngày 18/4 ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và quận Nam Sa” để quản lý hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Biển Đông được coi là con đường chiến lược về giao lưu và thương mại quốc tế, cả bốn phía đều có đường thông ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua các eo biển và là một trong những tuyến vận chuyển bận rộn nhất thế giới.

Hơn nữa khu vực này có trữ lượng tài nguyên phong phú, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh tự coi là lãnh thổ của mình bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế.