Nhiều người tìm đến chùa để mong cầu bình an, nhưng không biết rằng bình an đôi khi bắt đầu từ việc rửa bát không oán trách trong chính căn bếp của mình. “Thiền trong gia đình” — liệu có thể thực hiện được, hay phải khăn gói lên chùa?

Cuộc gặp nơi sân chùa

Người đàn bà đeo chiếc túi nhỏ. Có lẽ, cô đến chùa từ sớm. Cô ngồi lặng lẽ trên ghế đá, khuôn mặt phảng phất mệt mỏi, ánh mắt hơi thất thần, như vừa trải qua một đêm dài đầy suy nghĩ.

Cô gặp một chú tiểu. Muốn hỏi han điều gì đó mà lời lẽ lúng túng. Chú tiểu dường như quen với những người tìm đến đây trong nỗi u sầu, nhẹ nhàng hỏi:

— Cô ăn sáng chưa?

Cô không trả lời. Chú tiểu mời cô xuống bếp. Cô lắc đầu, chỉ chắp tay xin vào chùa.
— Con chỉ là chú tiểu, cô ăn sáng đi rồi gặp thầy trụ trì.

Một câu chuyện giản dị, nhưng lại là gợi mở cho một bài học sâu xa về thiền.

“Rửa bát đi” – thiền không ở nơi chùa, mà ở nơi tâm

Chú tiểu hỏi: “Cô ăn sáng chưa?” — tưởng là phép xã giao, nhưng lại gợi nhớ một giai thoại thiền nổi tiếng:

Vị tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu:
— Con mới đến, xin thầy chỉ dạy.
— Ăn cháo chưa?
— Dạ, ăn rồi.
— Rửa bát đi!

Nghe vậy, vị tăng bỗng nhiên tỉnh ngộ.

Người ta thường đến chùa để cầu an. Nhưng nếu trong tâm còn oán giận, thì ngồi ở chùa cũng không yên. Cô ấy oán hận chồng ở nhà, lên chùa vẫn oán hận. Nửa đêm cô trằn trọc trên giường với tâm oán hận. Chỉ là đổi giường trong nhà mình thành giường trong chùa.

Ở nhà rửa bát mà không phiền trách thì cũng là tu. Ở chùa rửa bát mà vẫn nghĩ chuyện cũ thì vẫn là phiền não.

Một góc chùa, nơi người ta ngồi cho vợi đi sầu nhân thế. (Ảnh: Thành Chung)

Thiền trong gia đình – có thật không?

Thiền không phải là chuyện ăn chay hay tụng kinh, mà là cách sống không chấp trước. Thiền trong gia đình chính là khi người vợ, người chồng, người mẹ… biết sống trong mỗi việc nhỏ: dọn bếp, rửa chén, nuôi dưỡng thiện tâm, buông bớt sân si trong từng ngày sống.

Nhiều người phụ nữ từng ước ao có một mái ấm, rồi khi có lại không bằng lòng. Muốn chồng giỏi hơn, tiền nhiều hơn, con ngoan hơn… Nhưng họ quên mất điều mình từng mong mỏi nhất: một gia đình bình dị để cùng sẻ chia đời sống.

Gia đình không hoàn hảo, nhưng là nơi có thể cùng nhau hoàn thiện. Không phải ai cũng có duyên đến chùa. Nhưng ai cũng có thể hành thiền trong gia đình: sống tử tế, nghĩ cho người khác thêm một chút; chịu khó nhẫn nhịn, học cách tha thứ, xả bỏ chấp nhặt.

Trong chùa có hồ cá Koi. Nếu ở nhà cũng có hồ cá Koi, sao phải đến chùa?
(Ảnh: Thành Chung)

Ở đâu cũng là quán trọ – tu ở đâu cũng được

Ở chùa cũng không dễ an tâm. Có người đến rồi lại xin chuyển chùa khác vì không vừa lòng. Mỗi ngày ở chùa cũng trôi qua bằng bao nhiêu việc: giặt giũ, lau dọn, chăm cây quét chùa, tiếp khách… rồi hết ngày, hết tháng, hết đời.

Cư sĩ ở chùa khuyên người đàn bà trở về trở về. Mỗi người một lời:
— Cô về đi, rồi mọi chuyện sẽ qua.
— Đời có nhân duyên, hết duyên thì đi.
— Chưa đủ duyên tu, thì ráng sống cho an trong gia đình.

Họ cũng từng qua những ngày tháng ấy, nói xong rồi tránh đi, tôn trọng quyết định của cô. Cô về lúc nào cũng không ai rõ.

Kinh sách nói: ta đến đời này như đến quán trọ. Gặp nhau là duyên, chia tay cũng là duyên. Ở nhà hay ở chùa, nếu biết rửa bát mà không oán trách, sống với tâm an tịnh, thì nơi nào cũng là thiền đường.

Nếu chưa thể bước lên đường đạo, thì hãy bắt đầu từ nơi gần nhất: gia đình mình. Rồi có lúc, giữa tiếng con cười, tiếng chồng hỏi han, trong tiếng bát đũa va nhau rửa nhẹ cuối ngày — người ta cũng có thể ngộ ra như ông tăng ngày nào: hóa ra ở nhà hay ở chùa đều là tu tâm.