Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận quân sự gần eo biển Đài Loan hôm 18/9, cùng ngày Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Keith Krach tới thăm Đài Bắc.

Theo Reuters, Bắc Kinh đã theo dõi và tăng cường báo động về mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Đài Bắc và Washington, đồng thời gia tăng áp lực với Đài Loan khi tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn quanh hòn đảo.

Trong một tuyên bố trên Twitter, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hôm 18/9 Trung Quốc đã điều 18 chiến đấu cơ bao gồm “2 máy bay ném bom H-6, 8 máy bay chiến đấu J-16, 4 máy bay chiến đấu J-10 và 4 máy bay chiến đấu J-11” băng qua đường giữa nhạy cảm của eo biển Đài Loan và tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phía tây nam hòn đảo.

Bộ Quốc phòng Đài Loan nhận định số lượng chiến đấu cơ của Trung Quốc lần này lớn hơn nhiều so với những cuộc chạm trán trước đây. Đáp lại, quân đội Đài Loan đã triển khai các máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa phòng không để giám sát các hoạt động của Trung Quốc đồng thời cảnh báo các máy bay Trung Quốc rời khỏi khu vực.

Bắc Kinh dọa sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần thiết để thống nhất Đài Loan

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết các cuộc tập trận quân sự “là hành động cần thiết, phù hợp với tình hình hiện tại ở eo biển Đài Loan và để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”.

Ông Nhậm khẳng định Đài Loan hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và không bên nào được can thiệp, đồng thời cáo buộc gần đây chính quyền Mỹ và Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) tại Đài Loan đã “tăng cường cấu kết với nhau, thường xuyên gây xáo trộn”.

Quan chức này dọa rằng việc “lợi dụng Đài Loan để kiểm soát Trung Quốc” hoặc “dựa vào nước ngoài” để đòi độc lập chỉ là suy nghĩ viển vông và “chắc chắn sẽ đi vào ngõ cụt”.

Tuyên bố của Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề kinh tế Keith Krach của Mỹ hôm nay bắt đầu thăm Đài Loan. Động thái này có thể gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, vốn đã bị đẩy cao từ sau chuyến công du hòn đảo của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar hồi tháng trước.

Bắc Kinh trước đó đã cảnh báo sẽ có “phản ứng cần thiết” về chuyến đi của ông Krach, kêu gọi Washington tránh làm nghiêm trọng quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng.