Thuyền viên Georgia đã được lực lượng cứu hộ Việt Nam đưa về Nha Trang cấp cứu; Nga phát tín hiệu cho Belarus tham gia cuộc xung đột tại Ukraine.

Dưới đây là các tin chi tiết:

Tức tốc ra khơi cứu thuyền viên người Georgia nguy kịch

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, vào chiều 13/4, tàu SAR 27-01 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã cập cảng Nha Trang (Khánh Hòa), kết thúc hành trình cứu một thuyền viên người Georgia gặp nạn trên biển.

Con tàu DOLPHIN gặp nạn khi đi từ Trung Quốc đến Singapore, tại vùng biển cách Nha Trang 150 hải lý về hướng đông nam.

Thuyền trưởng tàu này đã phát tín hiệu khẩn cấp tới cơ quan chức năng Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ, sau khi thợ bơm của tàu bị chấn thương tại vùng đầu trong quá trình lao động, dẫn đến bất tỉnh.

Lực lượng cứu nạn Việt Nam đã đưa thợ máy Imeda Takidze (33 tuổi, quốc tịch Georgia) về Nha Trang cấp cứu tại bệnh viện.

Hà Nội đề xuất lùi thời gian nghỉ hè của học sinh

Dân Trí đưa tin, Sở GD-ĐT Hà Nội đang đề xuất Bộ GD-ĐT và UBND thành phố về việc cho lùi thời gian kết thúc năm học. Nếu đề xuất này được phê duyệt, học sinh Hà Nội có thể sẽ nghỉ hè muộn hơn so với mọi năm.

Do học sinh thành phố học trực tuyến kéo dài, Sở GD-ĐT đề xuất như vậy nhằm giúp “các em có thêm thời gian ôn tập”, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hà Nội.

Nga phát tín hiệu cho Belarus tham gia xâm lược Ukraine

Tổng thống Vladimir Putin hôm 13/4 ca ngợi Belarus là đồng minh của Nga; và hai nước sẽ thành lập một “liên minh của hai quốc gia độc lập”, từ đó giúp đỡ nhau vượt qua các lệnh trừng phạt.

Theo Fox News, ông Putin nói rằng hai nước đã thảo luận về việc “hình thành một khu vực phòng thủ thống nhất”.

“Có khả năng Belarus sẽ tham gia cuộc xung đột với tư cách là một bên tham chiến tích cực”, theo cựu sĩ quan tình báo Mỹ Rebekah Koffler.

4 tổng thống cùng tới thăm Ukraine

Tổng thống Ba Lan và các Tổng thống của ba nước vùng Baltic (Litva, Latvia và Estonia) hôm 13/4 đã tới thăm Ukraine để bày tỏ sự ủng hộ với quốc gia đang bị Nga xâm lược.

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda; Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda; Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky; Tổng thống Latvia Egils Levits; Tổng thống Estonian Alar Karis
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda; Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda; Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky; Tổng thống Latvia Egils Levits; Tổng thống Estonian Alar Karis tại Kyiv ngày 13/4/2022 (ảnh chụp màn hình Twitter).

“Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để UKraine được gia nhập Liên minh châu Âu và giúp đất nước anh hùng này vượt qua những kinh hoàng của chiến tranh”, ông Nauseda cho biết trên Twitter.

Giám đốc WHO: Thế giới phân biệt đối xử với cuộc khủng hoảng của người da đen

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng thế giới đang có sự phận biệt đối xử với các cuộc khủng hoảng nhân đạo của người da đen và da trắng.

Al Jazeera đưa tin, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc WHO, thừa nhận cuộc chiến ở Ukraine cần có được sự chú ý toàn cầu, nhưng liệu các cuộc khủng hoảng khác có được chú ý đúng mức hay không.

Ông đề cập đến cuộc khủng hoảng tại Tigray và Ethiopia. Hàng trăm nghìn người có nguy cơ chết đói ở Tigray, theo ước tính của Liên Hợp Quốc. Tại Ethiopia, hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc sung đột kéo dài 17 tháng.

Trung Quốc: Dân đói vì phong tỏa kéo dài

The Epoch Times hôm 13/4 đưa tin, một người đàn ông khoảng 30 tuổi ở quận Yangpu, Thượng Hải, Trung Quốc đã gọi điện đến cảnh sát, hỏi rằng liệu anh ta có được cho ăn hay không, nếu anh ta vi phạm lệnh phong tỏa và bị bắt giam.

“Tổ dân phố bảo tôi phải ‘chịu khó’, tôi đã chịu khó 4 ngày rồi. Đồ ăn đã hết sạch, chỉ còn nước thôi”, người đàn ông ghi âm cuộc điện thoại và đăng lên mạng.

Tuy nhiên, cảnh sát bảo anh ta nếu bị bắt thì cũng sẽ bị đưa về nhà, đồn cảnh sát không phải là chỗ nuôi anh ta.