Các vấn đề về kinh tế biển và quốc phòng liên quan Biển Đông được giới chức Việt Nam nhắc đến trong các bối cảnh khác nhau vào ngày 16/11.

Ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phát triển kinh tế biển

Trong hội nghị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Phú Trong nói rằng cần hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển.

Khu vực ông Trọng nhắc tới có bờ biển dài gần 1.800 km, bằng khoảng 55% bờ biển cả nước (3.260 km), và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn… Đây là khu vực nhiều tiềm năng, nhưng trên biển hay gặp sự quấy nhiễu của Trung Quốc.

Cùng ngày, Thái Lan tuyên bố thống nhất một số vấn đề liên quan đến Biển Đông cùng Việt Nam trong dịp ông Nguyễn Xuân Phúc thăm nước này. Hai bên sẽ duy trì lập trường chung của ASEAN về Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Trong ngày, tại Đà Nẵng khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 với chủ đề “Biển Hòa Bình-Phục hồi bền vững”. Trong bài phát biểu mở đầu, ông Phạm Quang Hiệu – thứ trưởng Ngoại giao, nói rằng Biển Đông bất ổn có lý do bởi “sự thiếu hụt lòng tin và tinh thần hợp tác, nhất là đối với luật pháp quốc tế và các tổ chức đa phương”.

Khó thu hồi tài sản quan chức tham nhũng

Theo VOV, từ 2013 đến tháng 10/2022, tổng số tiền phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng của cả nước là khoảng 130.000 tỷ đồng, trong đó mới thu hồi được khoảng 50%. Riêng năm 2022, thu hồi được gần 15.000 tỷ đồng, chủ yếu là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo.

Đối với khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11.890 tỷ đồng so với năm 2021.

Một số ý kiến cho rằng, để thu hồi tài sản quan chức tham nhũng cần kiểm soát tiền mặt, nguồn tiền, dòng tiền như các nước đã làm và cần có văn bản pháp luật quy định riêng về thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế, bắt đầu từ giai đoạn xử lý tin báo tố giác tội phạm mới ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản…

Miền Bắc sắp đón 2 đợt không khí lạnh tăng cường

Khoảng ngày 19/11, một đợt không khí lạnh yếu, lệch đông sẽ tràn xuống miền Bắc. Do tác động của đợt không khí lạnh yếu này nên từ đêm 18/11, vùng núi Bắc Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Ngày 19/11, miền Bắc có mưa dông rải rác.

Sau đó khoảng 21-22/11, không khí lạnh tiếp tục tăng cường. Miền Bắc từ 21-24/11 có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Nền nhiệt giảm 2-3 độ.

Đà Lạt xin lắp thêm đèn xanh đỏ ở 7 nút giao thông

Chính quyền TP. Đà Lạt đề xuất lắp thêm 7 cụm đèn xanh đỏ ở các nút giao Hải Thượng – Hai Bà Trưng – Hoàng Diệu; Ngô Quyền – La Sơn Phu Tử – Nguyễn An Ninh; Hai Bà Trưng – La Sơn Phu Tử; Xô Viết Nghệ Tĩnh – Nguyễn Công Trứ; Tản Đà – Hai Bà Trưng; Tản Đà – Phan Đình Phùng; Hoàng Văn Thụ – Mạc Đĩnh Chi – Đồng Tâm.

Đèn xanh đỏ đầu tiên được lắp ở Đà Lạt (ảnh Zing).
Đèn xanh đỏ đầu tiên được lắp ở Đà Lạt (ảnh Zing).

Trải qua cả trăm năm không cần đèn tín hiệu bởi giao thông yên bình, đến tháng 10/2021, Đà Lạt lắp cụm đèn tín hiệu đầu tiên ở giao lộ Hoàng Văn Thụ – Trần Phú – Ba Tháng Hai. Sau đó, thêm 6 cụm đèn tín hiệu nữa được lắp đặt ở TP này.