Chiều 5/12, họp báo tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết 2 nước đã nâng tầm quan hệ thành ‘đối tác chiến lược toàn diện’.

“Điểm khởi hành mới”

Việt Nam và Hàn Quốc tái khẳng định mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mức 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc là những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư là 80 tỷ USD; tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư gắn với chuyển giao công nghệ và hướng vào các lĩnh vực điện tử, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, khu công nghiệp xanh, đô thị thông minh…

Hai bên sẽ cùng bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Thúc đẩy đối thoại, hợp tác và thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên…

Tổng thống Yoon Suk Yeol nói rằng, với việc nâng tầm quan hệ, chuyến thăm của ông Phúc sẽ là ‘điểm khởi hành mới’ trong mối quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc”.

Apple sửa bản đồ vị trí Hoàng Sa, Trường Sa

Chiều 5/12, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết đã nhận được phản hồi từ Apple về việc bổ sung quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên ứng dụng bản đồ của hãng

“Phía Apple thừa nhận sai sót và đã khắc phục theo yêu cầu từ Cục”, VnExpress dẫn lời ông Do.

Khi truy cập ứng dụng bản đồ của Apple, hai quần đảo hiện đã hiển thị khi người dùng phóng to đủ lớn. Apple chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.

Trước đó, bản đồ này bị nhiều người dùng trong nước phát hiện không hiển thị tên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên ứng dụng.

‘Nới room’ tín dụng thêm 1,5-2% cho hệ thống các TCTD

Tối 5/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% (nới room) cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Phía NHNN khẳng định, việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để bảo đảm thanh khoản, an toàn hoạt động, bảo đảm khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Việt Nam chi gần 200 triệu USD nhập khẩu thịt heo trong 10 tháng

Theo số liệu hải quan, lũy kế 10 tháng năm 2022, nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 89.000 tấn, trị giá 189,02 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tính riêng tháng 10/2022, Việt Nam nhập khẩu gần 12.000 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 26,02 triệu USD.

Thịt heo nhập khẩu được bày bán ở nhiều siêu thị (ảnh: Vietnammoi).

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh trong tháng 10/2022 đã tăng 113,3% về lượng và tăng 68,6% về trị giá so với tháng 10/2021 nhưng cũng chỉ đạt hơn 1.000 tấn và thu về 5,77 triệu USD. Thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hong Kong và Lào.

“Giá thành sản xuất chăn nuôi heo ở nước ta cao so với mức bình quân trên thế giới. Do đó, giá thịt heo ở Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác” – Tuổi Trẻ dẫn nhận định của lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu.