2 luật sư là ông Giang Hồng Thanh và Nguyễn Huy Thiệp sẽ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan – Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trương Mỹ Lan đã tiếp xúc 2 luật sư mới

Luật sư Giang Hồng Thanh nói với báo giới, khoảng 10 ngày gần đây, ông và luật sư Thiệp đã gặp bà Lan (đang bị giam) và có mặt cùng cơ quan điều tra trong quá trình làm việc.

Cả ông Giang và ông Thiệp đều có tiếng trong giới luật sư ở Việt Nam, từng bào chữa nhiều vụ án được dư luận quan tâm. Luật sư Giang từng bào chữa cho Phan Sào Nam và tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng trong vụ xe Innova đi lùi trên cao tốc.

Luật sư Thiệp từng bào chữa cho cựu Bí thư TP. HCM Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Truyền thông Vũ Huy Hoàng, doanh nhân Hà Văn Thắm.

Trước đó, gia đình Trương Mỹ Lan đã mời 2 luật sư bào chữa là ông Phan Trung Hoài và ông Phan Minh Hoàng. Như vậy, nữ bị cáo này sẽ có 4 luật sư hỗ trợ pháp lý trong quá trình tố tụng.

Bắt thêm người trong vụ BV Đồng Nai – AIC

Ngày 7/11, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an bắt tạm giam ông Ngô Quang Vinh (47 tuổi), kỹ sư công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đồng Nai, nguyên cán bộ Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai liên quan vụ AIC.

Ông Vinh bị bắt với cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong thời điểm thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

  Ông Trần Đình Thành (bên phải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), ông Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch tỉnh Đồng Nai) bị bắt trong vụ BV Đồng Nai - AIC.
Ông Trần Đình Thành (bên phải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), ông Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch tỉnh Đồng Nai) bị bắt trong vụ BV Đồng Nai – AIC.

Trong vụ án BV Đồng Nai – AIC, công an đã bắt ông Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), ông Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch tỉnh Đồng Nai), bà Bồ Ngọc Thu (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), ông Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) cùng 14 người khác.

Chính phủ vừa trả nợ hơn 240.000 tỷ đồng

Tiền Phong dẫn tin từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế hết tháng 10/2022, Chính phủ Việt Nam đã trả nợ vay trong nước và vay nước ngoài khoảng hơn 240.000 tỷ đồng, bằng 71,8% kế hoạch.

Trong đó, trả nợ trong nước 184.026 tỷ đồng; trả nợ nước ngoài 57.014 tỷ đồng; trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 220.182 tỷ đồng; trả nợ cho vay lại khoảng 20.858 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước 10 tháng của năm 2022 khoảng 15%.

Ngoài ra, từ đầu năm đến ngày 26/10, số tiền rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 906,1 triệu USD (tương đương khoảng 20.902 tỷ đồng). Trong đó, cấp phát khoảng 571,3 triệu USD (13.178 tỷ đồng), cho vay lại khoảng 334,8 triệu USD (7.724 tỷ đồng).

Số rút vốn vay nước ngoài 10 tháng năm 2022 thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 196 triệu USD, tương đương 4.556 tỷ đồng.

Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau hơn 10 năm, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm).

Thực tế này rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.