100 lính Trung Quốc sang Ấn Độ phá hoại cơ sở hạ tầng, sau đó chạy về nước

Giới truyền thông Ấn Độ đưa tin: 100 lính Trung Quốc và 55 con ngựa đã xâm nhập vào phạm vi ba dặm bên trong lãnh thổ Ấn Độ ở khu vực Barahoti của bang Uttarakhand thuộc dãy Himalaya vào ngày 30/8. Họ đã phá hủy một số cơ sở hạ tầng của Ấn Độ, trong đó có 1 cây cầu, sau đó chạy trở về Trung Quốc.

“Cuộc đột nhập có quy mô rất lớn, với số lượng lên đến 100 binh sĩ Trung Quốc, điều đó có nghĩa là phía Trung Quốc muốn nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của ý định của mình”, Rajiv Dogra, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Ấn Độ, nói với The Epoch Times (ET) qua email.

25 chiến cơ Trung Quốc xâm nhập Đài Loan

Giới chức Đài Loan cho biết Trung Quốc đã cử 25 máy bay chiến đấu xâm nhập vào không phận Đài Loan chỉ trong ngày hôm qua (1/10). Thông báo cho biết đoàn xâm nhập bao gồm 18 chiến cơ J-16; 4 máy bay SU-30; 2 máy bay ném bom H-6 và 1 máy bay chống tàu ngầm.

Ngày 1/10/2021 đánh dấu 72 năm kể từ Đảng Cộng sản Trung Quốc giành chính quyền và đổi tên nước thành Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đảng Cộng hòa kêu gọi Tổng thống Joe Biden cứng rắn với Trung Quốc

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang kêu gọi chính quyền Biden phải cứng rắn đối với Bắc Kinh. Họ nói rằng những lời phát biểu gần đây từ các quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho thấy sự thất bại trong việc “nắm bắt được mối đe dọa thực sự do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra”.

“Thật không may, chính quyền Biden đã không đưa ra được một cách tiếp cận rõ ràng, toàn diện để giải quyết mối đe dọa suốt nhiều thế hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Dân biểu Mike McCaul, người chủ trì một hội đồng gồm 17 thành viên trong quốc hội, nói với ET.

Tập đoàn máy bay Trung Quốc đối mặt với rủi ro thương mại từ Mỹ

Báo Nikkei (Nhật Bản) ngày 2/10 cho biết C919, loại máy bay phản lực trở khách do Trung Quốc, có khoảng 40% linh kiện đến từ Mỹ hoặc các nước khác.

Điều này cho thấy rủi ro của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) nếu xảy ra xung đột thương mại với Mỹ. Nếu Bắc Kinh đi quá xa trong việc bảo hộ các nhà sản xuất máy bay của mình, họ có thể gặp nguy cơ phản ứng dữ dội từ Mỹ và châu Âu, theo Nikkei.

Núi lửa phun trào ở Tây Ban Nha

AP đưa tin, một ngọn núi lửa đang phun trào trên một hòn đảo Tây Ban Nha ở ngoài khơi phía tây bắc châu Phi. Vào cuối tuần qua, nó đã nổ tung thêm hai vết nứt và làm chảy ra dung nham rực lửa xuống biển.

Giới chức hòn đảo La Palma cho biết núi lửa hiện đã trở nên “hung hãn hơn nhiều” sau gần 2 tuần kể từ khi nó bắt đầu phun trào.