TT Putin gửi tên lửa siêu thanh Zircon thị uy; Mỹ thà leo thang còn hơn mất uy tín
Tổng thống Putin hôm 4/1 đã ra lệnh triển khai một tàu chiến được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh Zircon để thực hiện nhiệm vụ tới Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, đây có thể là một thông điệp và lời cảnh báo nhằm vào phương Tây về việc leo thang căng thẳng ở Ukraine.
Tổng thống Putin đã nói chuyện với Igor Krokhmal, chỉ huy tàu khu trục nhỏ mang tên “Đô đốc Hạm đội Liên Xô Gorshkov” và công khai việc chiến hạm này được trang bị vũ khí siêu thanh Zircon.
Tổng thống Putin nói: “Lần này con tàu được trang bị hệ thống tên lửa siêu thanh mới nhất – ‘Zircon’ và không có hệ thống tương tự”. “Tôi muốn chúc thủy thủ đoàn của con tàu thành công trong việc phục vụ vì lợi ích của Tổ quốc.”
Con tàu dự kiến cũng sẽ đi vào Địa Trung Hải vào một thời điểm nào đó trong khi thực hiện nhiệm vụ ở Đại Tây Dương, mặc dù thời gian của chuyến đi vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi ấy Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cho biết, “Con tàu này, được trang bị ‘Zircons’, có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác và mạnh mẽ chống lại kẻ thù trên biển và trên bộ”. Người đứng đầu bộ quốc phòng Nga cũng nhấn mạnh tên lửa siêu thanh Zircon là bất khả chiến bại, có thể né tránh được bất kỳ hệ thống phòng không nào trên thế giới do khả năng bay với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh.
Theo The Telegraph, chiến hạm này đã tiến vào Đại Tây Dương, và tất cả những điều này diễn ra sau các vụ phóng thử tên lửa Sarmat vào năm ngoái của người Nga, khi một vụ phóng thử thành công tên lửa xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã được công bố rộng rãi.
Trong những ngày sau vụ tấn công doanh trại Makiivka, người Nga vẫn tiếp tục hàng ngày đáp trả, bao gồm cả cuộc không kích lớn vào thủ đô Kyiv.
Mỹ thà leo thang còn hơn mất uy tín
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vốn nổi tiếng ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, gần đây đã tiết lộ nỗi sợ hãi lớn nhất của ông trong mùa đông này là cuộc chiến ở Ukraine có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và trở thành một cuộc chiến lớn giữa NATO và Nga. Ông này cảnh báo: “Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, chúng có thể trở thành sai lầm khủng khiếp.”
Tất nhiên Tổng thư ký NATO luôn ủng hộ giải pháp tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine để giúp chính quyền Kyiv giành lợi thế trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên lời thừa nhận hiếm hoi từ ông này cũng đã phản ánh sự khác biệt trong các tuyên bố gần đây giữa một bên là các nhà lãnh đạo chính trị bàn giấy của Mỹ và bên kia là các quan chức quân sự.
Trong khi các chính trị gia như Tổng thống Biden vẫn cam kết tiến hành một cuộc chiến lâu dài và không có hồi kết ở Ukraine, thì các nhà lãnh đạo quân sự, chẳng hạn như Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, đã lên tiếng và kêu gọi Ukraine ‘nắm bắt thời cơ” để đàm phán.
Không chỉ vậy, sếp cũ của ông, Đô đốc đã nghỉ hưu Michael Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã từng lo ngại trước thái độ hiếu chiến của chính quyền Biden khi ông này nói với kênh ABC News như sau: “Ngôn ngữ của Tổng thống Biden, nếu bạn muốn hiểu rõ, rằng chúng ta [nước Mỹ] sắp đứng đầu về thang ngôn ngữ. Vì vậy tôi nghĩ rằng chúng ta cần lùi lại một chút và làm mọi thứ có thể để cố gắng ngồi vào bàn giải quyết vấn đề này”.
Vậy tại sao các nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ lại lên tiếng bác bỏ vai trò trung tâm của chính họ trong cuộc chiến ở Ukraine?
Nguyên nhân xuất phát từ một nghiên cứu của Trung tâm Rand Corporation do Lầu Năm Góc ủy quyền xuất bản vào tháng 12, có tiêu đề Ứng phó với cuộc tấn công của Nga vào NATO trong Chiến tranh Ukraine.
Đây chính là manh mối khiến tướng Milley và các đồng nghiệp quân sự của ông thấy rất đáng báo động.
Nghiên cứu đưa ra nhằm xem xét các lựa chọn của Mỹ để đối phó với bốn kịch bản trong đó Nga tấn công một loạt mục tiêu của NATO, từ vệ tinh tình báo của Mỹ, kho vũ khí của NATO ở Ba Lan cho đến các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn hơn vào các căn cứ và cảng không quân của NATO, bao gồm cả Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ tại Đức và cảng Rotterdam tại Hà Lan.
Bốn kịch bản này đều là giả thuyết và đặt tiền đề cho sự leo thang của Nga vượt ra ngoài biên giới Ukraine. Câu cuối cùng trong kết luận của nghiên cứu có nội dung như sau: “Khả năng sử dụng hạt nhân tăng thêm sức nặng cho mục tiêu của Mỹ là tránh leo thang hơn nữa, một mục tiêu có vẻ ngày càng quan trọng sau một cuộc tấn công thông thường có giới hạn của Nga”. Tuy nhiên có một sự thật là Nga sẽ không tấn công NATO trừ khi khối liên minh quân sự này đe dọa an ninh chủ quyền của họ.
Điều đáng nói là, bản nghiên cứu này đưa ra những lập luận để nước Mỹ phải có phản ứng tương xứng trước sự leo thang của Nga, do lo ngại rằng nếu Mỹ giảm leo thang sẽ khiến nước này mất uy tín như tại Việt Nam, Iraq, Afghanistan… và tại nhiều quốc gia khác.
Chính bản nghiên cứu này thêm một lần nữa ngầm khẳng định rằng, việc Mỹ bị mất uy tín còn đáng sợ hơn cả việc leo thang chiến tranh.
Chính vì vậy mà giới quan chức quân sự Mỹ đã lo ngại và nhìn thấy mối nguy hiểm sắp xảy ra nếu các ông chủ chính trị của họ như Tổng thống Biden bỏ lỡ hoặc phớt lờ những tín hiệu cảnh báo của họ.
Rõ ràng giới chính trị gia Mỹ luôn lo sợ rằng, nếu họ không đáp trả đủ mạnh mẽ trước các hành động của đối phương thì các động thái quân sự của họ có thể tác động quyết định đến chính sách của Mỹ. Đơn giản quân đội Mỹ sẽ luôn tuân theo mệnh lệnh của Tổng tư lệnh là Tổng thống Mỹ. Vì sợ hãi yếu thế trước đối phương mà giới chính trị Mỹ sẽ luôn leo thang và hệ quả là đã liên tục dẫn đến những thất bại thậm chí còn mang tính quyết định và nhục nhã hơn của Mỹ.
Ở Ukraine, những lo ngại của chính quyền Biden về “độ tin cậy và uy tín” khi muốn chứng minh cho các đồng minh của mình, đặc biệt là các quốc gia Baltic, rằng Điều 5 của NATO là một cam kết thực sự để Mỹ bảo vệ họ trước sự tấn công của Nga.
Vì vậy, chính sách của Mỹ ở Ukraine bị mắc kẹt giữa một bên là nhu cầu giữ uy tín trước các đồng minh của mình, nhưng mặt khác chính vì giữ thể diện, không chấp nhận chiến thắng của người Nga mà chính quyền Biden liên tiếp thúc đẩy nguy cơ leo thang nguy hiểm. Đương nhiên, điều này cũng vỗ béo cho các ông chủ tập đoàn sản xuất vũ khí. Phải có chiến tranh, phải có xung đột thì mới duy trì sự tồn tại và phát triển của các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Nếu chính quyền Biden tiếp tục hành động thiên về leo thang hơn là đánh mất “sự tín nhiệm”, thì Mỹ và Nga sẽ tiến gần hơn đến cuộc chiến tranh hạt nhân, và mối nguy hiểm sẽ chỉ gia tăng theo vòng xoáy leo thang, mà vụ tấn công vào cơ sở triển khai tạm thời của binh sĩ Nga tại Donetsk rạng sáng ngày 1/1 là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, với sự hà hơi tiếp sức của chính quyền Biden, chính quyền Tổng thống Zelensky được cho là một công cụ của Washington để làm suy yếu nước Nga ngày càng có thêm động lực để ngăn cản mọi cuộc đàm phán hòa bình. Chính quyền Kyiv khẳng định từ tháng 4/ 2022 rằng, họ sẽ không ngồi vào bàn đàm phán nếu Ukraine thiếu một inch lãnh thổ mà nước này sở hữu trước năm 2014.
Điều đáng nói là, lập trường này của Ukraine lại là một sự đảo ngược đáng kể so với lập trường mà Kyiv đã đưa ra tại các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3 năm ngoái, khi nước này đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và không đặt các căn cứ quân sự nước ngoài để đổi lấy việc Nga rút quân khỏi nước này.
Tại các cuộc đàm phán đó, Ukraine đã đồng ý đàm phán về tương lai của Donbass và hoãn đưa ra quyết định cuối cùng về tương lai của bán đảo Crimea trong vòng tối đa 15 năm.
Tuy nhiên tờ Financial Times đã đưa tin vì sao kế hoạch hòa bình giữa Nga và Ukraine vào ngày 16/3/2022 về “thỏa thuận trung lập” của Tổng thống Zelensky đã bị phá vỡ.
Vào ngày 9/4/2022, Thủ tướng Anh Johnson (dưới sự chỉ đạo của chính quyền Biden) đã can thiệp để hủy bỏ thỏa thuận đó. Ông nói với Tổng thống Zelensky rằng, Vương quốc Anh và “phương Tây tập thể” sẽ “ở trong đó lâu dài” và sẽ ủng hộ Ukraine tham gia một cuộc chiến lâu dài, và sẽ không ký vào bất kỳ thỏa thuận nào mà Ukraine đã thực hiện với Nga. Đương nhiên một chính quyền phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài như Kyiv chỉ còn cách phải ngoan ngoãn nghe lời.
Điều này lý giải cho nguyên nhân tại sao hiện giờ chính quyền Zelensky luôn tỏ thái độ bất hợp tác và khó chịu trước những lời đề nghị của phương Tây rằng, ông nên quay lại bàn đàm phán. Kể từ khi Thủ tướng Johnson từ chức trong sự ô nhục hồi tháng 7/2022, Tổng thống Zelensky tiếp tục thực hiện lời truyền đạt này của nước Anh.
Vào tháng 4, Thủ tướng Anh Johnson tuyên bố với Tổng thống Zelensky rằng “phương Tây tập thể” sẽ sát cánh với Ukraine chiến đấu lâu dài, nhưng chỉ có chính quyền Biden công khai quan điểm này trong khi Pháp , Đức và Ý đều kêu gọi các cuộc đàm phán ngừng bắn mới vào tháng 5.
Giờ đây, cựu Thủ tướng Anh Johnson tiếp tục leo thang dù đã hết quyền lực, khi ông cho biết “các lực lượng Nga phải bị đẩy lùi về ranh giới thực tế là ngày 24 tháng 2”.
Đương nhiên ông cựu thủ tướng này không thể nói bừa. Có thể nói Tổng thống Biden và cựu Thủ tướng Johnson đã làm xáo trộn chính sách của phương Tây đối với Ukraine. Về mặt chính trị, họ đang leo thang với các chính sách chiến tranh vô điều kiện, khi cung cấp những vũ khí nguy hiểm cho Ukraine và từ chối những lo ngại chính đáng nhất của giới quân sự để tránh Thế chiến III đang cận kề, điều mà chính Tổng thống Biden đã từng hứa sẽ làm mọi cách để né tránh.
Có thể bạn quan tâm: