Hải quân Việt Nam và người dân vừa làm lễ tưởng niệm 64 quân nhân bị Trung Quốc sát hại ở đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc Trường Sa.

Chuỗi hoạt động tưởng niệm này, theo TTX VN, được thực hiện bởi đoàn công tác của TP. HCM và Hải quân Việt Nam; từ ngày 14/5/2022 ở vùng biển Trường Sa. Tại buổi tưởng niệm liệt sĩ đảo Gạc Ma, ông Lương Việt Hùng – Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các liệt sĩ. Sau đó, đoàn người trên con tàu lớn đã thả hoa và hạc giấy xuống biển tưởng niệm các quân nhân đã hi sinh khi đụng độ với quân Trung Quốc.

Hoạt động tưởng niệm của Hải quân Việt Nam (ảnh chụp màn hình TTX VN).
Hoạt động tưởng niệm của Hải quân Việt Nam (ảnh chụp màn hình TTX VN).

Theo thông tin từ báo Quốc tế, tham gia lễ dâng hương tưởng niệm còn có ông Phạm Như Xuân – Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác; ông Lại Xuân Lâm – Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương; Ngô Hướng Nam – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và hơn 200 người khác.

Sau đó, một đoàn tưởng niệm cũng đã đến nhà giàn DK1 ở vùng biển Trường Sa để thực hiện việc thắp hương tưởng niệm. Theo VTC, đoàn tưởng niệm này do ông Đại tá Phạm Minh Chiến, Chính ủy Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân dẫn đầu.

Từ đầu năm đến nay, đã có những hoạt động do lãnh đạo cấp cao Việt Nam dẫn đầu tới tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa. Trong đó, ngày 12/3/2022, ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng đã dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (ở Khánh Hòa) ngày 12/3/2022 (ảnh: VGP).

Về sự kiện Gạc Ma

Sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 người Việt ở Gạc Ma xảy ra cách đây 34 năm. Sự kiện Gạc Ma được tóm tắt như sau: Ngày 14/3/1988, Trung Quốc cho tàu hộ vệ tên lửa và binh lính tấn công, xâm chiếm cụm đá Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao trên quần đảo Trường Sa. Phía Trung Quốc bắn chìm 2 tàu vận tải HQ 604, HQ 605; thảm sát 64 sĩ quan, quân nhân Việt Nam và chiếm bãi đá Gạc Ma từ đó.

Năm 2016, ông Lê Kế Lâm – chuẩn đô đốc, kể lại diễn biến cuộc thảm sát trên Zing. Năm 1988, ông Lâm là tham mưu phó phụ trách tác chiến của hải quân, nắm được rõ mọi diễn biến ở Trường Sa. Ngày 14/3/1988, đơn vị công binh hải quân Việt Nam trên Đá Gạc Ma có 48 quân nhân, được cử tới để xây một trạm quan sát.

Sáng hôm đó, lính Trung Quốc đổ bộ lên Đá Gạc Ma. Quân Trung Quốc xông tới nhổ cờ Việt Nam ném xuống đất. Hai quân nhân Việt Nam kháng cự quyết liệt. Ông Lâm được báo cáo, họ đã bị tấn công bằng dao.

Lính Trung Quốc tràn lên đảo đá Gạc Ma, nổ súng, tàn sát man rợ các quân nhân người Việt. Ngoài biển có một số tàu chiến Trung Quốc neo đậu ở khoảng cách 5-6 km. Gần đó cũng có hai tàu vận tải Việt Nam, số hiệu HQ 604 và HQ 605, chỉ khoảng 400 tấn. Trên tàu không có vũ khí gì đáng kể, chỉ có một số khẩu súng 12,7mm. Tàu hải quân Trung Quốc đã dùng pháo bắn chìm hai tàu Việt Nam. 64 người Việt bị quân Trung Quốc giết.

Báo Trung Quốc thời đó ca ngợi ầm ĩ rằng đây là chiến thắng của hải quân nước nhà, nhưng theo ông Lâm, đó chỉ là một cuộc thảm sát hèn hạ.