Giới phân tích cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga về nguồn cung vũ khí.

Sự phụ thuộc của Việt Nam vào khí tà Nga bắt nguồn từ mối quan hệ truyền thống với Liên Xô cũ. Trong thời kỳ chiến tranh, Việt Nam đã nhận được nguồn tài trợ quân sự từ một số nước trong khối xã hội chủ nghĩa, trong đó Liên Xô và Trung Quốc vẫn là hai nước cung cấp khí tài chính.

Xét về mặt hàng khí tài chủ yếu, Moscow là nhà cung cấp quan trọng nhất của Hà Nội, theo học giả Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore – ISEAS Yusof Ishak.

Trên diễn đàn nghiên cứu về Đông Nam Á Fulcrum, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho biết các thiết bị quân sự còn lại từ thời chiến tranh đã tạo ra sự phụ thuộc về con đường cho Việt Nam, khuyến khích Hà Nội tìm kiếm khí tài Nga sau khi Liên Xô sụp đổ.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore - ISEAS Yusof Ishak (ảnh chụp màn hình ISEAS).
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore – ISEAS Yusof Ishak (ảnh chụp màn hình ISEAS).

Sự phụ thuộc của Việt Nam vào vũ khí của Nga càng trở nên trầm trọng hơn do Việt Nam không thể tìm được các nguồn nhập khẩu thay thế và đáng tin cậy. Khí tài từ các nước phương Tây nhìn chung có giá cả đắt hơn. Vũ khí Trung Quốc thì không đáng tin cậy, do hai nước đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tiến sĩ Hiệp cho biết: “Việt Nam bắt đầu đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng trong việc mua sắm vũ khí từ Nga, sau khi (Nga) sáp nhập Crimea (của Ukraine) vào năm 2014”.

Một ví dụ điển hình là việc Việt Nam mua sắm các khinh hạm lớp Gepard thứ ba và thứ tư từ Nga. Khi đó, Nga đang đóng các khinh hạm này cho Việt Nam nhưng đã gặp khó khăn trong việc mua động cơ từ Ukraine. Do đó, Việt Nam phải tiến hành đàm phán song song với cả Nga và Ukraine để giữ cho dự án tồn tại và mua được động cơ từ Ukraine. Cuối cùng, sau một thời gian bì trì hoãn, Việt Nam cũng đã mua được hai tàu khu trục nhỏ từ Nga với động cơ của Ukraine. Hai tàu này được đưa vào hoạt động vào năm 2017. Nhưng những khó khăn như vậy đã khiến Việt Nam từ bỏ kế hoạch mua thêm các tàu chiến tương tự từ Nga.

Việt Nam là nhà nhập khẩu khí tài lớn thứ năm của Nga trên thế giới, và là quốc gia Đông Nam Á nhập khẩu lớn nhất từ Nga. Vì vậy, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga sẽ không chỉ là đòn giáng với các nhà xuất khẩu vũ khí Nga, mà còn đối với cả Việt Nam.

Nếu tiếp tục mua trang thiết bị quân sự từ Nga,Việt Nam dễ có nguy cơ bị các nước phương Tây trừng phạt thứ cấp.

Với những khó khăn như vậy, khiến Việt Nam bắt buộc phải đẩy nhanh việc đa dạng hóa nhập khẩu khí tài và cai bớt sự lệ thuộc vào vũ khí Nga.

Vì vậy, Việt Nam nên tăng gấp đôi nỗ lực đa dạng hóa hoạt động nhập khẩu vũ khí để tránh lệ thuộc vào Nga, theo học giả Lê Hồng Hiệp.