WHO: Bệnh đậu mùa khỉ có phải là tình trạng khẩn cấp toàn cầu?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 23/6 đã triệu tập một ủy ban khẩn cấp để thảo luận xem có tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch đậu mùa khỉ hay không. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng động thái của WHO là một biểu hiện của thái độ “phân biệt chủng tộc”.
Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu có nghĩa là cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc coi đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là một “sự kiện bất thường”, căn bệnh này có nguy cơ lây lan tới nhiều quốc gia hơn nữa và có thể cần phải có phương án phản ứng toàn cầu.
WHO cho biết ủy ban này sẽ không đưa ra quyết định nào trước ngày 24/6, theo AP.
Tuần trước, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã mô tả dịch đậu mùa khỉ gần đây được xác định tại hơn 40 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu. Ông Tedros nói rằng dịch bệnh này là “bất thường và đáng lo ngại”.
Động thái của WHO về bệnh đậu mùa khỉ là biểu hiện “bất bình đẳng”?
Bệnh đậu mùa khỉ là loại bệnh xuất hiện ở Trung và Tây Phi trong nhiều thập niên qua, và đã giết chết tới 10% số người bị nhiễm bệnh. Phiên bản của dịch bệnh này ở châu Âu và các nơi khác thường có tỷ lệ tử vong dưới 1%. Tới nay, không có trường hợp tử vong nào ngoài châu Phi được báo cáo.
Vì vậy, việc WHO khẩn cấp họp bàn khi dịch bệnh bùng phát ở các nước phương Tây bị chỉ trích là một dạng “bất bình đẳng” giữa các nước châu Âu và châu Phi.
“Nếu WHO thực sự lo lắng về sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, họ có thể đã triệu tập ủy ban khẩn cấp của họ từ nhiều năm trước khi nó bùng phát trở lại ở Nigeria vào năm 2017”, ông Oyewale Tomori, một nhà virus học người Nigeria, người tham gia nhóm cố vấn của WHO cho biết.
Ông thắc mắc: “Có một chút tò mò là WHO chỉ triệu tập cho các chuyên gia của họ khi dịch bệnh xuất hiện ở các nước da trắng.”
Ông David Fidler, một thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết sự chú ý mới của WHO đối với bệnh đậu mùa khỉ có thể vô tình làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia giàu và nghèo trong đại dịch Covid-19.
Ông Fidler nói: “Có thể có những lý do chính đáng tại sao WHO chỉ lên tiếng báo động khi bệnh đậu mùa khỉ lây lan sang các nước giàu, nhưng đối với các nước nghèo, điều đó giống như một tiêu chuẩn kép”.
Các trường hợp mắc bệnh ở châu Âu chủ yếu là nam giới đồng tính
Cho đến tháng trước, bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa gây ra các đợt bùng phát lớn bên ngoài châu Phi. Các nhà khoa học không tìm thấy bất kỳ đột biến nào trong loại virus này cho thấy nó dễ lây lan hơn. Một cố vấn hàng đầu của WHO cho biết sự gia tăng các ca bệnh ở châu Âu có thể liên quan đến hoạt động tình dục giữa những người đàn ông đồng tính và song tính tại hai cuộc hoan ái ở Tây Ban Nha và Bỉ. .
Cho đến nay, phần lớn các trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ ở châu Âu là nam giới đồng tính hoặc lưỡng tính, hoặc những người đàn ông khác có quan hệ tình dục đồng giới. Các nhà khoa học cảnh báo bất kỳ ai tiếp xúc gần với người bị bệnh hoặc quần áo hoặc ga trải giường của họ đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh, bất kể là xu hướng tình dục của họ là gì.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã xác nhận hơn 3.300 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 42 quốc gia. Hơn 80% trường hợp là ở Châu Âu. Trong khi đó, châu Phi đã ghi nhận hơn 1.400 trường hợp mắc bệnh trong năm nay, trong đó có 62 trường hợp tử vong.
Những người bị bệnh đậu mùa khỉ thường gặp các triệu chứng như sốt, đau nhức cơ thể và phát ban; hầu hết hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần chăm sóc y tế.
Phản ứng của WHO
Trong đại dịch Covid-19, WHO bị chỉ trích gay gắt vì chậm trễ trong việc cảnh báo tình trạng khẩn cấp của đại dịch. Vì vậy, WHO không muốn trễ nải trong việc cảnh báo về dịch bệnh đậu mùa khỉ, theo bà Amanda Glassman, phó chủ tịch điều hành tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu.
Dù WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, thì cũng chưa rõ tác động của tuyên bố này, theo nhận định của giới quan sát.