Nhóm nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hồi tháng Hai đã thông báo “cực kỳ khó xảy ra” việc virus COVID-19 có thể vô tình bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, mới đây đã lên tiếng hủy bỏ báo cáo tạm thời về cuộc điều tra của họ ở Trung Quốc.

Theo Epoch Times, phát ngôn viên của WHO, ông Tarik Jasarevic, nói với Daily Caller hôm 10/2 rằng báo cáo sẽ được công bố “trong những ngày tới”, nhưng trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Peter Ben Embarek, thông báo với The Wall Street Journal hôm thứ Năm (4/3) rằng báo cáo tạm thời sẽ không được công bố, thay vào đó sẽ là một báo cáo đầy đủ “trong những tuần tới và sẽ bao gồm những phát hiện chính”.

Sự chậm trễ của WHO trong việc báo cáo những phát hiện ở Vũ Hán diễn ra trong bối cảnh các nhà khoa học ngày càng chỉ trích về tính hợp pháp của cuộc điều tra.

Một nhóm gồm 20 nhà khoa học đã gửi một bức thư hôm 4/3 nói rằng cuộc điều tra của WHO tại Trung Quốc, cùng với “những công dân Trung Quốc có khả năng độc lập về khoa học có thể bị hạn chế”, không có “quyền hạn, sự độc lập hoặc quyền tiếp cận cần thiết” để điều tra đầy đủ tất cả các nguồn gốc tiềm ẩn của COVID-19, bao gồm cả giả thuyết rằng virus có thể đã vô tình bị rò rỉ từ Viện Virology Vũ Hán.

Các nhà khoa học kêu gọi một cuộc điều tra mới ở Trung Quốc “được thực hiện bởi một nhóm thực sự độc lập và không có xung đột lợi ích”. Họ nói rằng một nửa trong số đội điều tra chung của WHO là công dân Trung Quốc, trong khi thành viên Mỹ duy nhất của nhóm WHO, Tiến sĩ Peter Daszak, là người đã chuyển 600.000 đô la cho Viện virus Vũ Hán trước đại dịch để nghiên cứu virus corona.

Khi đại dịch mới bắt đầu, ông Daszak đã dàn dựng một tuyên bố trên tạp chí y khoa The Lancet lên án “các thuyết âm mưu” chỉ ra COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên. Ông cũng chỉ trích bộ ngoại giao của Tổng thống Joe Biden sau khi cơ quan này thông báo hôm 9/2 rằng họ đang chờ xem xét báo cáo của WHO trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.

Tiến sĩ Daszak đã đề nghị Nhà Trắng nên chấp nhận một cách mù quáng quyết định của WHO rằng thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “rất khó xảy ra” trước khi xem xét các bằng chứng.

Các nhà khoa học cũng yêu cầu cuộc điều tra mới phải “không có sự kiểm soát hoàn toàn hoặc một phần bởi bất kỳ chương trình nghị sự hoặc quốc gia cụ thể nào” và phải có “quyền truy cập đầy đủ hoặc đáng kể” vào tất cả các phòng thí nghiệm, tại Trung Quốc và quốc tế, được biết là đã nghiên cứu về virus corona trước đại dịch.

“Nếu chúng ta không điều tra đầy đủ và can đảm nguồn gốc của đại dịch này, chúng ta có nguy cơ không thể chuẩn bị cho một đại dịch có thể tồi tệ hơn trong tương lai,” các nhà khoa học nói.

Tờ The Journal bình luận rằng động lực cho một cuộc điều tra mới ở Trung Quốc khó có thể gây được sự chú ý, lưu ý rằng bất kỳ cuộc điều tra nào trong tương lai sẽ cần phải được chấp thuận bởi chính phủ Trung Quốc.