Trung Quốc tìm cách mua cảng nước sâu, đường băng ở quần đảo Solomon
Một công ty nhà nước của Trung Quốc đang tìm cách mua lại một cảng nước sâu, một đường băng và căn cứ trên biển có từ thời Thế chiến II ở quần đảo Solomon, theo các tài liệu mới có được của ABC, theo The Epoch Times.
Cụ thể, Tổng công ty Tập đoàn Lâm nghiệp Trung Quốc đang nhắm tới một đồn điền lâm nghiệp trên đảo Kolombangara, nơi từng diễn ra các cuộc giao tranh lớn giữa quân Đồng minh và Đế quốc Nhật Bản trong Thế chiến thứ II.
Đồn điền bao phủ 2/3 hòn đảo, bao gồm 14.000 ha rừng gỗ cứng, 24.000 ha rừng được bảo vệ, cảng nước sâu, căn cứ hàng hải cũ, đường băng và những vùng đất bằng phẳng rộng lớn.
Kolombangara là một phần của quần đảo New Georgia, thuộc tỉnh Tây của quần đảo Solomon. Nó nằm gần một trung tâm đánh bắt cá ngừ lớn gọi là Noro, cũng gần thị trấn Munda, nơi mà Trung Quốc đầu tư khá nhiều vào lĩnh vực sân bay.
Các cuộc đàm phán về đảo Kolombangara bắt đầu vào năm 2019 khi một phái đoàn từ Lâm nghiệp Trung Quốc đến thăm hòn đảo. Tuy nhiên, phái đoàn tỏ ra không mấy quan tâm đến cây cối, nhưng lại có vẻ quan tâm đến cầu cảng và độ sâu của nó.
Đồn điền trên đảo Kolombangara hiện thuộc sở hữu của các cổ đông tư nhân Đài Loan, Úc và cả chính quyền Quần đảo Solomon. Điều đáng lưu ý là chính quyền Solomon có quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Kể từ tháng 5 năm 2022, Trung Quốc đã xúc tiến lại các cuộc đàm phán để mua lại đồn điền của Solomon.
Theo chương trình Four Corners của ABC, các thành viên của hội đồng quản trị công ty trồng rừng Kolombangara Forest Products Ltd đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong để bày tỏ lo ngại về Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã trả lời rằng họ sẽ không can thiệp vào giao dịch cụ thể này.
Chính phủ Australia đã có các khoản đầu tư trên khắp Quần đảo Solomon nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh, bao gồm các hoạt động tại trung tâm đánh bắt Noro, đồng thời tài trợ cho sáu tháp điện thoại di động trên khắp đất nước.
Tuy nhiên, thỏa thuận đồn điền nêu trên không phải là dấu hiệu đầu tiên cho thấy lợi ích quân sự của Bắc Kinh trong khu vực. Vào tháng 4, các tài liệu đã bị rò rỉ cho thấy công ty hàng không nhà nước Trung Quốc, Avic International Project Engineering Co., đã tìm kiếm các địa điểm xây dựng dự án hải quân và cơ sở hạ tầng cho quân đội Trung Quốc.
Tin tức này được tiết lộ sau khi rò rỉ thỏa thuận an ninh bí mật giữa Thủ tướng Quần đảo Solomon Sogavare và Bắc Kinh. Theo thỏa thuận này, Solomon cho hải quân Trung Quốc đóng quân, trang bị vũ khí và tàu hải quân trong khu vực.
Có thể bạn quan tâm:
- Australia ‘bất an’ vì căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Solomon
- Trung Quốc ‘dòm ngó’ cảng biển và ngư trường của Solomon