Thanh niên Trung Quốc suy sụp vì phong tỏa: ‘Bên trong tôi cũng đang khóc’
Các biện pháp phong tỏa nhằm chống dịch COVID của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của thanh niên.
Reuters nêu ví dụ về trường hợp của Zhang Meng, một sinh viên cho biết cô đã bị suy sụp tinh thần vào tháng 12 năm ngoái. Cô gái 20 tuổi đã khóc nức nở trên cầu thang ký túc xá của mình. Cô cảm thấy tuyệt vọng khi bị phong tỏa COVID nhiều lần trong khuôn viên trường đại học của cô ở Bắc Kinh.
Phong tỏa có nghĩa là cô hầu như chỉ được ở trong phòng của mình và không thể gặp gỡ bạn bè. Còn có quy định nghiêm ngặt về thời gian ra vào căng tin hoặc đi tắm. Là một người thích giao tiếp xã hội, Zhang cho biết những quy định đó khiến “tôi cảm thấy như toàn bộ người mình sụp xuống”.
Tháng đó, cô được chẩn đoán là mắc chứng trầm cảm và lo lắng nghiêm trọng.
Một trường hợp khác là Yao, cũng 20 tuổi, đề nghị không dùng tên thật. Anh cho biết anh không hiểu sao các biện pháp phong tỏa lại nghiêm ngặt đến vậy. Có lần, anh trốn trong nhà vệ sinh của trường, bật khóc và “cảm giác như bên trong tôi cũng đang khóc.” Thậm chí Yao đã tìm cách tự tử vào đầu năm 2021.
Thanh niên Trung Quốc phải trả giá đắt vì các lệnh phong tỏa
Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid khắc nghiệt nhất và thường xuyên nhất trên thế giới. Các lệnh phong tỏa gây tổn hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài di dời sản xuất sang nước khác.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế đã cảnh báo về tác hại của các biện pháp chống dịch cực đoan đối với sức khỏe tâm thần của người dân.
Một bài xã luận hồi tháng 6 trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh lập luận: “Các vụ đóng cửa của Trung Quốc đã gây ra một cái giá lớn về con người”. Bài báo cho biết ảnh hưởng tiêu cực của chúng đối với văn hóa và kinh tế sẽ còn ám ảnh Trung Quốc trong nhiều năm tới.
Đặc biệt, các chuyên gia lo ngại về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên và thanh niên, những người dễ bị tổn thương hơn, phải chịu áp lực giáo dục và áp lực kinh tế lớn hơn nhiều so với các thế hệ trước.
Số lượng thanh niên Trung Quốc bị ảnh hưởng là rất lớn
Theo Reuters, khoảng 220 triệu trẻ em và thanh niên Trung Quốc đã bị giam cầm trong thời gian dài do các hạn chế của COVID.
Nhiều thanh thiếu niên phải đối mặt với tình huống éo le. Chẳng hạn, trong suốt hai tháng phong tỏa tại Thượng Hải năm nay, một số thanh niên từ 15 đến 18 tuổi đã phải cách ly một mình tại các khách sạn vì họ không được phép trở về nhà.
Frank Feng, phó hiệu trưởng trường quốc tế Lucton ở Thượng Hải, nói với Reuters: “Họ phải tự nấu ăn và không có người để nói chuyện cùng”.
Khoảng 20% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông Trung Quốc đã có ý định tự tử trong thời gian học trực tuyến do đóng cửa trường học, theo một cuộc khảo sát vào tháng 4 năm 2020 đối với 39.751 học sinh. Kết quả này được công bố trên tạp chí Current Psychology của Mỹ vào tháng Giêng.
Cụm từ “tư vấn tâm lý” trên công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba lần trong bảy tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước đó.
Đối với nhiều thanh thiếu niên, các biện pháp phong tỏa COVID xảy ra vào đúng thời điểm các kỳ thi quan trọng. Nhiều học sinh phải chịu áp lực căng thẳng, phần vì bị kỳ thị khi nhiễm Covid, bị bỏ lỡ kỳ thi quan trọng trong cuộc đời, hoặc bị cách ly hàng tháng trời trước khi thi.
Thêm vào đó là triển vọng việc làm ảm đạm. Tỷ lệ thất nghiệp nói chung ở mức 5,4%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên thành thị đã tăng đến mức kỷ lục 19,9%.
Hầu hết học sinh là con một trong gia đình, do chính sách một con trong giai đoạn 1980-2015 của Trung Quốc. Họ biết rằng họ sẽ phải giúp đỡ cha mẹ của mình trong tương lai.
Theo một cuộc khảo sát của Đại học Fudan với khoảng 4.500 thanh niên trong năm nay, thì có khoảng 70% thanh niên bày tỏ lo lắng ở các mức độ khác nhau.
Tới nay, giới chức Trung Quốc vẫn đang áp dụng các biện pháp phong tỏa và hạn chế nghiêm ngặt. Chính quyền không thừa nhận những tác hại của chính sách phong tỏa mà họ đưa ra, mà tuyên bố rằng những tổn thất là do bản thân đại dịch gây ra.
Có thể bạn quan tâm: