Ngã ba Ukraine: Mỹ sẽ tham chiến trực tiếp?
Mỹ và NATO không bao giờ muốn chứng kiến Nga giành chiến thắng ở Ukraine bởi nó sẽ chứng tỏ sự yếu kém của NATO, đồng thời sẽ gây ra sự phản đối nghiêm trọng trong nội bộ khối liên minh này.
Một số thành viên NATO sẽ đặt câu hỏi với chính quyền Biden rằng, tại sao Mỹ buộc Châu Âu phải hy sinh nhiều như vậy?
Đó là những điều gì? Tất nhiên, Châu Âu đã phải cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga, dừng mua khí đốt của Nga, và bị lôi kéo vào một ma trận đỉnh cao của các lệnh trừng phạt. Theo sự lãnh đạo của chính quyền Biden, tất cả những điều đó để làm nước Nga thua trận, nhưng thực tế đang cho thấy chính Mỹ, NATO/EU và Ukraine có vẻ đều đang thua cuộc trước Nga.
Tình huống này rõ ràng là một vấn đề nan giải đối với Mỹ và NATO, đặc biệt khi phải bất lực chứng kiến Nga oanh tạc phá hủy các cơ sở năng lượng, đặc biệt tại khu vực phía Tây có thành phố Lviv và Kyiv, là đại bản doanh của NATO trên đất Ukraine. Điều trớ trêu là, người Mỹ không có khả năng khôi phục các trạm biến áp điện của Ukraine.
Bởi vậy thực tế này đã đẩy Mỹ và NATO vào 3 tình huống lựa chọn để hành động.
Mỹ sẽ tham chiến trực tiếp?
Thứ nhất, đó là Mỹ và NATO có khả năng sẽ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột tại Ukraine, đồng nghĩa đối đầu trực tiếp quân sự với Nga.
Bởi vậy, sự kiện Tướng Michael Kurilla công khai thăm tàu ngầm hạt nhân USS West Virginia không phải là một sự kiện ngẫu nhiên. Sự kiện thứ hai là phát biểu của một cựu tướng nghỉ hưu David Petraeus, khi ông cho rằng Washington và các đồng minh có thể can thiệp vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa Moscow và Kyiv.
Theo ông Petraeus, hành động quân sự mà ông ủng hộ sẽ không phải là sự can thiệp của NATO, mà là “một lực lượng đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu chứ không phải là một lực lượng NATO”. Nói cách khác, Lực lượng đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu dựa trên mô hình chiến tranh Iraq, bao gồm các lực lượng mặt đất, không quân và hải quân thông thường.
Ông Petraeus không giải thích lý do tại sao Mỹ cần phải can thiệp trực tiếp vào Ukraine, nhưng không khó đoán là nhằm để giải cứu quân đội Ukraine khỏi thất bại như lời của ông Douglas Macgregor, cựu cố vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời chính quyền Donald Trump.
Trên trang American conservative, đại tá Douglas Macgregor cho rằng, Chính sách của Tổng thống Biden đối với cuộc xung đột Ukraine đang ngày càng trở nên kỳ lạ. Ông cũng nói rằng, Lực lượng vũ trang Ukraine đang ở trong tình trạng nguy kịch, và “Nếu không có các chiến binh đánh thuê nước ngoài và binh sĩ Ba Lan chiến đấu trong quân phục Ukraine, Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ không thể chống chọi với các cuộc tấn công mùa đông của quân đội Nga”.
Ông nói thêm rằng, việc Washington sẵn sàng can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột là cách duy nhất để giúp chính quyền Kyiv khỏi một thất bại trông thấy, sau “hàng loạt cuộc phản công của Ukraine trong vòng 60 đến 90 ngày qua đã khiến Ukraine thiệt hại hàng chục nghìn sinh mạng, vốn là nguồn nhân lực không gì có thể thay thế được”
Ngoài ra, Nga có khả năng mở các cuộc tấn công mới áp đảo chính quyền Tổng thống Zelensky trong khung thời gian tháng 11 hoặc tháng 12, hoặc bất cứ khi nào mặt đất đóng băng, và sẽ nghiền nát bất cứ thứ gì còn sót lại của lực lượng Ukraine.
Nói cách khác, bất chấp những tổn thất sinh mạng quá lớn của Ukraine, thông điệp của tướng David Petraeus là Washington và liên minh NATO nên sẵn sàng can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột này. Và đây cũng là cách duy nhất để kéo dài tuổi thọ của chính quyền Zelensky trước khi mọi việc trở nên quá muộn.
Tất nhiên kịch bản này được Tổng thống Ukraine Zelensky và một số thành viên NATO ở khu vực Đông Âu ủng hộ. Những quốc gia này đã cố gắng lôi kéo Tây Âu vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp đối đầu với Nga trong nhiều năm qua.
Tổng thống Zelensky cũng hiểu rằng một sự can thiệp như vậy sẽ chôn vùi mọi hy vọng về việc ký kết một thỏa thuận thỏa hiệp nào đó giữa phương Tây và Liên bang Nga, và gây thiệt hại cho chính lợi ích của Ukraine.
Tuy nhiên, trớ trêu cho Tổng thống Zelensky là, ngay cả các nhà ngoại giao Mỹ thân cận với Ukraine cũng nói rõ rằng, có rất ít quốc gia nhiệt tình đấu tranh cho Ukraine ở châu Âu, nếu không muốn nói là những nước này lo sợ trước một cuộc tấn công trả đũa từ Nga.
Mặc dù nhiều nước thành viên NATO đang cung cấp vũ khí và các hỗ trợ quân sự khác cho Ukraine trong nỗ lực tự vệ trước Nga, nhưng thực tế Đức, Pháp và một số quốc gia khác đều vạch ra lằn ranh đỏ và không sẵn sàng hỗ trợ việc điều các lực lượng vũ trang của mình để bảo vệ Ukraine, theo reuters.
Các quốc gia châu Âu này đều muốn tránh một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO, theo Atlanticcouncil.
Việc Ukraine tiếp tục đòi hỏi tư cách thành viên NATO hôm 30/9 được cho là sai lầm tiếp theo của Tổng thống Zelensky, theo washingtonpost.
Tờ Atlantic council cho biết, chỉ có 10 trong số 30 thành viên của NATO tán thành Ukraine gia nhập thành viên. “Tổng thống Bulgaria đã từ chối tham gia tuyên bố của 9 nhà lãnh đạo Đông Âu vì ông không đồng ý với ngôn ngữ (của Tổng thống Zelensky) về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đặt câu hỏi về tư cách thành viên, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết quy trình thành viên “nên được thực hiện vào một thời điểm khác”. Nhiều đồng minh NATO khác đáp lại bằng sự im lặng.”
Vì vậy, con đường Mỹ và NATO can thiệp trực tiếp vào Ukraine rõ ràng không nhận được sự đồng thuận từ các cường quốc châu u như Đức và Pháp bởi độ rủi ro cao và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Vậy, nếu không can thiệp trực tiếp vào Ukraine để cứu chính quyền Kyiv, Mỹ và NATO sẽ lựa chọn cách tiếp theo là gì?
Tăng cường viện trợ các vũ khí hạng nặng
Trên thực tế, đây là lựa chọn tối ưu của chính quyền Biden và Brussel để tăng số lượng và phạm vi cung cấp vũ khí cho Ukraine. Bởi một nhẽ, nếu không giành được chiến thắng cho Ukraine, thì ít nhất cũng phải làm chậm lại các hành động tấn công trong tương lai của Lực lượng Nga nhằm đẩy cục diện xung đột vào thế bế tắc, tạo ra một cuộc chiến tiêu hao để Putin không còn cách nào khác là phải thương lượng một thỏa hiệp.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã yêu cầu các quốc gia thành viên liên minh cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine, khi ông tuyên bố: “Ukraine là một quốc gia rộng lớn, có nhiều thành phố, vì vậy chúng ta có thể giúp Ukraine nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ nhiều thành phố và vùng lãnh thổ khỏi các cuộc tấn công kinh hoàng của Nga”, theo thepostedia.
Dĩ nhiên các thành viên NATO đã ủng hộ lời kêu gọi này, cả về mặt đạo đức và tài chính, khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố: “Các cuộc tấn công bừa bãi mới nhất của Nga vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine là cơ sở để tiếp tục hỗ trợ những người đang tìm cách bảo vệ đất nước của họ”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hà Lan Kaisa Ollongren – người đã cung cấp cho Ukraine 15 triệu USD tên lửa phòng không thì cho rằng, phản ứng duy nhất đối với các cuộc tấn công của Nga nên là “hỗ trợ liên tục cho Ukraine và người dân nước này.”
Để khẳng định thêm sự vững mạnh của khối NATO và chứng tỏ cho thế giới thấy một nước Nga đang kiệt quệ, cựu đại sứ Mỹ tại NATO – ông Kurt Volker tuyên bố rằng, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của Moscow.
Một loạt các kênh truyền thông dòng chính cũng không ngừng đưa tin Nga đã “cạn kiệt tên lửa’, trong bối cảnh Nga tấn công bằng tên lửa hàng loạt thành phố của Ukraine.
Có một nghịch lý là, khả năng tấn công của Nga đã bị Tình báo Mỹ – Anh cùng truyền thông dòng chính phương Tây cố tình hạ thấp rất nhiều, trong khi khả năng Mỹ và EU cung cấp vũ khí cho Ukraine lại được phóng đại lên rất nhiều lần.
Điều này thể hiện ở việc hôm 19/10, tờ Politico đưa tin rằng, Mỹ và NATO đang tăng tốc chuyển giao vũ khí, quần áo ấm và công nghệ chống máy bay không người lái cho Ukraine để chuẩn bị cho nhiều tháng chiến đấu khắc nghiệt trong suốt mùa đông.
Chính quyền Biden tin rằng việc tăng cường lực lượng tiền tuyến trước khi bùn đất và băng tuyết xâm nhập, sẽ giúp Kyiv giữ vững vị trí trong trận chiến tới.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây ở Berlin, một quan chức phương Tây nói với các phóng viên rằng, NATO đã bắt đầu cung cấp trang thiết bị mùa đông, và rằng “Người Ukraine đang đi trước, chuẩn bị cho chiến dịch mùa đông”, rằng viện trợ nước ngoài hiện “rất nhiều [tập trung vào] mùa đông”.
Trong khi ấy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết: “Tôi kỳ vọng rằng Ukraine sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể trong suốt mùa đông để giành lại lãnh thổ của mình và đạt được hiệu quả trên chiến trường”.
Còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lặp lại sự lạc quan của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Austin về cơ hội đạt được tiến bộ của Ukraine trước người Nga trong mùa đông giá lạnh.
Ông nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp họ có thể tiến hành các hoạt động có ý nghĩa trong suốt mùa đông và tiếp tục cung cấp cho họ mọi thứ từ nhiên liệu, quần áo mùa đông, lều trại cho đến các hệ thống vũ khí tiên tiến”.
Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau, tình hình lại cho thấy không diễn ra suôn sẻ như vậy. Việc thiếu vũ khí trên khắp châu Âu có thể khiến các đồng minh của Ukraine phải đưa ra quyết định khó khăn trong việc có nên tiếp tục hỗ trợ chính quyền Kyiv hay không.
Ngày 22/10, hãng tin AP cho biết, các quốc gia châu Âu đang xem xét nguy cơ bị Nga tấn công nếu kho dự trữ của họ cạn kiệt. Do đó, một số quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, rằng “họ sẽ tiếp tục gửi kho vũ khí của mình tới Ukraine và có thể gia tăng khả năng bị tổn thương trước cuộc tấn công của Nga, hay họ giữ lại những gì còn lại để bảo vệ quê hương của mình, đồng nghĩa mạo hiểm với khả năng Nga giành chiến thắng ở Ukraine nhiều hơn?”
Chưa đủ gay cấn, Bộ trưởng Quốc phòng Hanno Pevkur của Estonia, một quốc gia vùng Baltic có chung đường biên giới dài 183 dặm (295 km) với Nga, còn hé lộ: “Áp lực đè nặng lên chúng tôi ngay cả khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã kêu gọi các thành viên NATO “đào sâu và cung cấp thêm năng lực” cho Ukraine.
Các quốc gia nhỏ hơn khác, chẳng hạn như Lithuania cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Nhưng một số thành viên NATO lớn hơn, bao gồm cả cường quốc Đức cũng vậy.
Bộ Quốc phòng Đức cho biết trong một email gửi hãng tin AP như sau: “Đúng vậy, nguồn dự trữ của Bundeswehr có hạn. Cũng giống như trường hợp của các nước châu Âu khác”.
Sau gần 8 tháng giao tranh dữ dội, các đồng minh châu Âu của Ukraine được dự kiến rằng, cuộc chiến sẽ tiếp tục trong nhiều tháng, thậm chí có thể là nhiều năm. Đồng thời, cả hai bên đang nhanh chóng sử dụng hết kho vũ khí của mình và Chiến thắng có thể phụ thuộc vào ai tồn tại lâu hơn.
Có điều là, trong khi châu Âu đã trở nên cạn kiệt vũ khí và các ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu vốn chưa sẵn sàng sản xuất kịp thời cho chiến tranh như tờ Politico đưa tin, thì Nga lại cho thấy khả năng sản xuất vũ khí nhanh chóng của nước này.
Chính Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, ông Hanno Parkour thừa nhận: “Chúng tôi ước tính rằng Nga sẽ sớm khôi phục khả năng của mình vì Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể ra lệnh cho các nhà sản xuất vũ khí chuyển sang sản xuất 24 giờ trong ngày”. (AP)
Do đó, việc châu Âu rút ruột để cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine thực chất chỉ là để trì hoãn sự kết thúc của chính quyền Zelensky, và sự thất bại không thể tránh khỏi của NATO.
Tất nhiên, về mặt lý thuyết, NATO có một lựa chọn thứ ba: Đó chính là tìm kiếm một thỏa hiệp với Nga.
Đàm phán hòa bình
Chỉ có một cách để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu và xung đột tại Ukraine, đó chính là trên cơ sở công nhận các vùng lãnh thổ mới của Nga và bảo đảm cho mọi lo ngại của Nga về tình trạng tương lai của các vùng lãnh thổ Ukraine như tỷ phú Elon Musk đã từng đề xuất.
Tuy nhiên chính quyền Joe Biden và NATO vẫn chưa sẵn sàng cho điều này, vì theo cách hiểu của giới lãnh đạo Brussel, điều này chẳng khác gì thừa nhận thất bại trước người Nga. Nó đi ngược lại với tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg là, Nga không được phép chiến thắng.
Mỹ và NATO sẽ bị đẩy tới một thỏa hiệp với Nga, khi và chỉ khi cảm thấy rằng, một thất bại hoàn toàn gần kề là không thể tránh khỏi. Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu quân đội Nga đạt được thành công quy mô lớn tại Ukraine.
Ngoài ra thêm yếu tố nữa, đó là người dân Mỹ sẽ có quyền thể hiện ý muốn của mình vào cuộc bỏ phiếu giữa kỳ vào ngày 8/11 sắp tới, khi cuộc thăm dò ý kiến của New York Times/Siena College, cho thấy nền kinh tế và lạm phát mới là các vấn đề mà người dân Mỹ quan tâm, với lần lượt là 26% và 18%. Điều đáng nói là, cuộc xung đột Nga – Ukraine chỉ chiếm có 2% sự chú ý của dân chúng Mỹ. (nypost)
Vì vậy, cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể kết thúc được hay không, chúng ta sẽ phải tiếp tục chờ đợi cho đến khi Nga giành ưu thế trên mặt trận kinh tế, quân sự, hoặc khi Đảng Cộng hòa lên nắm quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ, thậm chí tới 2 năm nữa, khi cựu Tổng thống Donald Trump vừa thề rằng ông và các cử tri yêu nước chân chính “sẽ lấy lại Nhà Trắng vào năm 2024”.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất định phản ánh quan điểm của Tin360.
Có thể bạn quan tâm: