Ông Tập Cận Bình sẽ gặp tổng thống Putin vào mùa xuân
Theo TASS, hôm 30/12, Tổng thống Putin đã có cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình và tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước là “yếu tố ổn định” trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng lớn với phương Tây.
Đáp lại, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết: “Dưới sự lãnh đạo chung của chúng tôi, quan hệ đối tác toàn diện Trung Quốc-Nga và tương tác chiến lược trong kỷ nguyên mới thể hiện… khả năng chống lại căng thẳng”.
Bình luận về cuộc khủng hoảng và xung đột đang diễn ra ở Ukraine, ông Tập cũng nói với ông Putin rằng, con đường dẫn đến các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine sẽ không suôn sẻ và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì “lập trường khách quan và công bằng”.
Với tuyên bố này, hẳn chính quyền Tổng thống Biden rất thất vọng khi một lần nữa Trung Quốc cẩn thận tránh lên án Nga – điều mà cả Mỹ và EU đều gia tăng áp lực trong suốt 10 tháng qua.
Một diễn biến lớn khác thu hút sự chú ý trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến hôm 30/12 là Điện Kremlin đã công bố lời mời Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Nga vào mùa xuân năm 2023. Do lời mời chính thức được công khai trong cuộc họp trực tuyến, nên nhiều khả năng ông Tập sẽ tới thăm Nga.
Điều đáng chú ý là, tổng thống Putin đã tóm gọn một thông điệp gửi tới các đối thủ của Nga khi ông nhấn mạnh với ông Tập rằng “Giữa áp lực và sự khiêu khích chưa từng có từ phương Tây, chúng tôi đang đứng lên bảo vệ quan điểm cơ bản của riêng mình.”
Cần lưu ý là, mối quan hệ đặc biệt giữa Nga và Trung Quốc không liên quan nhiều đến quân sự mà chính là kinh tế. Từ lâu Tổng thống Putin đã đề cập nhiều đến tương lai của tiền tệ.
Điều quan trọng hơn nữa là những gì mà cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Putin và ông Tập cho thấy, liên minh này đang tạo ra một thứ gì đó để đối trọng với Mỹ, chẳng hạn như một hệ thống tiền tệ mới với phương châm “hàng hóa của chúng tôi, vấn đề của bạn”. Tức là khách hàng muốn mua hàng thì phải theo luật chơi của người bán chứ không còn bị ảnh hưởng bởi đồng tiền Mỹ.
Vấn đề là, từ trước đến nay Nga và Trung Quốc vẫn luôn là đối thủ hơn là đối tác, chứ chưa nói đến là đối tác chiến lược như hiện nay. Vậy vì sao mà liên minh Nga – Trung đã trở nên lớn mạnh chưa từng thấy chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây. Phải chăng chính quyền Joe Biden đã vô tình tạo ra một liên minh đáng gờm Nga – Trung như vậy?
Châu Âu e sợ, nước Mỹ nhún nhường?
Bất chấp cả chục nghìn lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga cho đến thời điểm này vẫn trụ vững và thậm chí còn tốt hơn nhiều so với các nền kinh tế châu Âu đang bị hành hạ bởi khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc được cho là quốc gia nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga nhiều nhất thế giới.
Còn nhớ vào giữa tháng 3, chính quyền Joe Biden đã cảnh báo Bắc Kinh không được ủng hộ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng Nhà Trắng lại “từ chối bình luận về việc liệu Mỹ có tin rằng Trung Quốc đã cung cấp cho người Nga sự hỗ trợ về quân sự, kinh tế hoặc các hình thức khác hay không”.
Cũng vậy, vào đầu tháng 4, Liên minh châu Âu cũng đã cảnh báo Trung Quốc không được quan hệ với Nga. Tuy nhiên EU là một thể chế đa phương vốn hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận, một lá phiếu phủ quyết từ bất kỳ một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ đều có thể khiến các cuộc biểu quyết của EU trở nên vô hiệu.
Điển hình là chính quyền của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã liên tục phản đối các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga của khối này.
Không chỉ vậy, sự yếu kém của châu Âu còn thể hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh EU – Trung Quốc diễn ra hồi đầu tháng 4. EU đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu như ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên cho đến hiện tại, không có bất kỳ quan chức cấp cao phương Tây nào tiết lộ một cách cụ thể rằng, EU có kế hoạch bắt Trung Quốc phải “trả giá đắt” như thế nào.
Điển hình là trong khi EU vừa lớn tiếng đe dọa Trung Quốc rằng, “Nếu Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến [Ukraine] này, sẽ có một cuộc tranh luận hoàn toàn mới và đó là trừng phạt Trung Quốc”, thì quan chức châu Âu lại nói thêm rằng, “điều này [các lệnh trừng phạt] sẽ rất tốn kém đối với châu Âu”, “EU cần Trung Quốc theo nhiều cách.”
Đơn giản EU là một khối yếu nhược và Trung Quốc không phải là Nga. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. GDP của Trung Quốc hiện lớn hơn cả 27 quốc gia thành viên EU cộng lại.
Trong cuộc xung đột tại Ukraine, EU đang chịu nhiều thiệt hại và tổn thất do việc cắt đứt các mối quan hệ về kinh tế và thương mại với Nga. Chưa kể, EU còn thêm gánh nặng phải đón nhận dòng người tị nạn Ukraine. Trong khi ấy, Trung Quốc có cơ hội tiếp cận nhiều mảng trên thị trường Nga vốn đang bị bỏ trống bất chấp lệnh cấm của Mỹ và EU.
Hơn nữa, Trung Quốc còn đóng vai trò là đối tác tài chính quan trọng của Nga. Ngoài ra, nỗi e ngại về sức ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng dần tại châu Âu, thể hiện qua cách cư xử “mềm mỏng” của các nhà lãnh đạo châu Âu.
Chính quan chức đứng đầu Ủy ban đối ngoại của EU đã lên tiếng ủng hộ việc Trung Quốc làm trung gian hòa giải trong cuộc chiến Nga-Ukraina khi ông này tuyên bố: “Không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi [Châu Âu] không thể là người hòa giải, điều đó rõ ràng… Và cũng không thể là Mỹ. Còn ai vào đây nữa? Đó phải là Trung Quốc, tôi tin tưởng vào điều đó”.
Dù bên ngoài EU có vẻ như chống Trung Quốc, nhưng thực tế vị thế của nước này đang ngày càng lớn mạnh và có ảnh hưởng tới châu Âu. Mới đây, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã có cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình.
Website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay phần mở đầu có đoạn như sau: “Vào tối ngày 20 tháng 12 năm 2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier theo yêu cầu của ông.”
Rõ ràng cơ hội kinh tế mà Trung Quốc mang lại cho châu Âu là khá lớn, và các nhà lãnh đạo EU đã không thể vạch ra một chiến lược rõ ràng để đối phó với Trung Quốc.
Một số quốc gia “đầu tàu” như Pháp và trước kia là Đức muốn tăng cường vai trò trong quốc phòng và an ninh châu Âu sau Brexit, đã gọi Bắc Kinh là “đối thủ mang tính hệ thống”.
Nhưng trong khi các tuyên bố và hướng dẫn thực thi chung ở cấp EU là khá quyết liệt, thì việc “biến” các tuyên bố ấy thành hiện thực lại là “quyền” của mỗi quốc gia thành viên EU. Mỗi chính phủ của các quốc gia châu Âu lại có các chiến lược và lợi ích khác nhau để đối phó hay bắt tay với Trung Quốc.
Điều này thể hiện rất rõ như khi một số nhà lãnh đạo châu Âu sẵn sàng chỉ trích các hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, thì cũng lại có những quốc gia trong khối EU vẫn giữ im lặng và còn muốn làm ăn với Trung Quốc, điển hình là Đức hiện nay.
Câu hỏi đặt ra là: EU quyết liệt tẩy chay Nga trên mọi lĩnh vực, vậy một khi Nga liên minh chặt chẽ với Trung Quốc, EU sẽ phản ứng như thế nào?
Có thể bạn quan tâm: