Bê bối phòng không Ukraine hé lộ đấu đá nội bộ
Trong đợt không kích mới nhất của Nga vào ngày 14-15/01, cố vấn Văn phòng Tổng thống là ông Aleksey Arestovich cho biết, tên lửa Kh-22 của Nga đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ, và sau đó quả đạn đã rơi trúng vào tòa nhà cao tầng này và phát nổ. Nhưng ngay sau đó, Lực lượng Không quân Ukriane đã phủ nhận tin tức này.
Phía Nga đã thực hiện 3 cuộc không kích trong 2 ngày cuối tuần, bao gồm cuộc tấn công tên lửa lớn đầu tiên ở Zaporozhye và Kharkov. Làn sóng tấn công thứ hai vào cơ sở hạ tầng ở Kyiv chỉ cách đó vài giờ, và làn sóng thứ ba và lớn nhất bắt đầu vào khoảng 3 giờ chiều tại Dnepr.
Hậu quả nặng nề nhất là ở Dnepr, khi tên lửa được cho là đã đánh trúng một tòa nhà dân cư cao tầng, khiến 29 người thiệt mạng và 70 người bị thương.
Điều gây chú ý là, cố vấn Văn phòng Tổng thống là ông Aleksey Arestovich cho biết, tên lửa Kh-22 của Nga đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ, và sau đó quả đạn đã rơi trúng vào tòa nhà cao tầng này và phát nổ. Tuyên bố này của cố vấn Văn phòng Tổng thống Zelensky đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Ukraine.
Nhưng ngay sau đó, Lực lượng Không quân Ukriane đã phủ nhận tin tức này khi cho biết, họ hoàn toàn không thể bắn hạ được tên lửa Kh-22 của Nga.
Theo Trung tướng Mykola Oleshchuk, Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine thì chỉ có các hệ thống tên lửa phòng không của phương Tây (như hệ thống như Patriot PAC-3 hoặc SAMP-T) mới có khả năng đánh chặn tên lửa Kh-22.
Bộ chỉ huy Ukraine cho biết: “Trong Lực lượng Vũ trang Ukraine không có vũ khí hỏa lực nào có khả năng bắn hạ loại tên lửa này [Kh-22]. Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược quân sự của Nga, hơn 210 tên lửa loại này đã được bắn vào lãnh thổ Ukraine. Không một quả nào đã bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không”.
Như vậy có thể thấy, thông tin giữa Bộ Quốc phòng Ukraine và Văn phòng của Tổng thống Zelensky là mâu thuẫn với nhau.
Để giải thích cho tuyên bố của mình, cố vấn Văn phòng Tổng thống Arestovich đã kể về việc ông biết được thông tin tên lửa Nga bị phòng không Ukraine bắn hạ như sau: “Bạn tôi, một cựu sĩ quan phòng không, đang đi bộ trên đường vào thời điểm xảy ra vụ tấn công. Anh ấy nói với tôi rằng 100% anh ấy nghe thấy hai tiếng nổ và xác định tiếng nổ đầu tiên là do phòng không. Cho đến bây giờ, anh ấy vẫn không nhầm. Và anh ấy chắc chắn rằng tên lửa đã bị bắn hạ.”
Có điều là, chính tuyên bố này của ông Arestovich đã gây ra một vụ bê bối nghiêm trọng khi chính ông đã bác bỏ tuyên truyền của Ukraine rằng, người Nga đã cố tình tấn công vào mục tiêu dân sự là tòa nhà dân cư chứ không phải là cơ sở hạ tầng năng lượng hay mục tiêu chỉ huy quân đội. Dư luận Ukraine cho rằng Arestovich đang giúp ích cho người Nga.
Giới quan sát đang mổ xẻ về vụ bê bối này khi nhận định có khả năng xảy ra hai tình huống như sau:
Tình huống thứ nhất có khả năng cố vấn Văn phòng Tổng thống Arestovich đã bịa ra câu chuyện về tên lửa phòng không đã đánh chặn tên lửa của Nga mà không có thông tin đáng tin cậy.
Điều này cho thấy có cuộc đấu đá nội bộ giữa Văn phòng Tổng thống và Bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine – vốn không còn là chuyện bí mật khi từ lâu Tổng thống Zelensky đã lo ngại về sự nổi tiếng của tướng Valery Zaluzhny, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Thực tế những tin đồn âm ỉ về mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Tổng thống Zelensky là có thật. Vào cuối tháng 11 năm ngoái, có thông tin cho rằng, Tướng Zaluzhny đã được yêu cầu hạn chế xuất hiện công khai trước công chúng giữa những tin đồn về căng thẳng giữa ông và Tổng thống Zelensky.
Tướng Zaluzhny là một trong những quan chức hàng đầu của Ukraine đã nhận được sự chú ý đáng kể của giới truyền thông trong những tháng gần đây, bao gồm cả việc xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time vào tháng 9.
Tờ Bild của Đức hồi tháng 8 năm ngoái thậm chí đã mô tả tướng Zaluzhny là người kế vị tiềm năng của Tổng thống Zelensky.
Gần đây nhất tại mặt trận Soledar, chính tướng Zaluzhny đã bất tuân mệnh lệnh từ Tổng thống Zelensky khi nguồn tin rò rỉ cho biết, “tướng Valerii Zaluzhnyi đã nhất quyết yêu cầu rút quân đội ra khỏi thành phố để tránh bị Nga bao vây”, trong khi chính quyền Kyiv buộc quân đội phải trụ lại để giữ tuyến phòng thủ này.
Tình huống thứ hai là cố vấn Văn phòng Tổng thống Arestovich nhận được thông tin rằng tên lửa Nga đã bị phòng không Ukraine bắn hạ từ các nguồn tin chính thức, và đã vội vàng ra tuyên bố. Tuy nhiên việc làm này của ông vô tình đã làm gián đoạn công tác tuyên truyền của các kênh truyền thông dòng chính phương Tây lẫn Ukraine, vốn đang đổ cho người Nga tấn công vào các mục tiêu dân sự thay vì quân sự.
Rõ ràng tuyên bố của ông đã làm dậy sóng trong nội bộ lãnh đạo Ukraine khiến Bộ quốc phòng nổi giận. Đại tá Yuriy Ignat, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine ngay lập tức phản bác như sau:
“Tôi đã nói điều này từ nửa năm rồi, thực tế là chúng ta không thể bắn hạ tên lửa Kh-22. Nó là tên lửa siêu thanh, có tốc độ bay 4.000 km/h. Chúng ta không có bất kỳ phương tiện nào có khả năng đánh chặn tên lửa này trong không trung. Nhưng chúng tôi không phải là không có lỗi: trong một số bản tin, người ta nói rằng ai đó đã bắn hạ ở đâu đó, có lẽ một tên lửa khác đã bị nhầm với tên lửa này. Điều đó xảy ra. Có một số báo cáo, tuyên truyền cũng được đưa ra”.
Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine Ignat còn chỉ mặt điểm tên cố vấn Văn phòng Tổng thống Arestovich khi cảnh báo “yêu cầu mọi người cẩn thận với những bình luận về công việc của lực lượng phòng không”.
Dù lên tiếng phủ nhận Ukraine không thể bắn hạ được tên lửa Kh-22 nhưng Bộ Quốc phòng nước này quên mất rằng trước đó, đã có ít nhất ba báo cáo chính thức về việc tên lửa Kh-22 bị bắn hạ vào năm ngoái.
Vào ngày 30/5/2022, Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một tên lửa như vậy ở Odessa và còn cho thấy mảnh vỡ của nó. Vào ngày 29/6, có một thông báo về sự thất bại của Kh-22 phóng từ Biển Đen. Và vào ngày 1/7, lữ đoàn 101 của Bộ Tổng tham mưu ở Kyiv báo cáo rằng, họ đã bắn hạ tên lửa này bằng hệ thống tên lửa phòng không di động Igla.
Thực hư việc Ukraine có bắn hạ được tên lửa Kh-22 của Nga hay không vẫn ở trong màn sương mù mờ mịt của bộ tuyên truyền nước này. Tuy nhiên ngày 15/1, Cố vấn của Văn phòng Tổng thống Arestovych đã rút lại tuyên bố của mình, và đổ lỗi cho việc ông nói nhầm tên lửa của Ukraine đã phá hủy tòa nhà dân cư là do ông bị mệt mỏi và thiếu ngủ.
Arestovych đã giải thích lý do như sau: “Tôi rút lại lời xin lỗi. Cảm ơn những người tốt, đã thức dậy và đề nghị nghe thông tin của chính tôi trên truyền hình Feigin… Tôi thậm chí đã quá mệt mỏi, tôi đã đưa ra lời cảnh báo – rằng giả định của tôi về tên lửa phòng không chỉ là một phiên bản vẫn cần phải được kiểm tra”.
Trước đó, trong một bài đăng trên mạng xã hội hiện đã bị xóa, ông Arestovych đã giải thích tuyên bố của mình về cáo buộc phòng không Ukraine bắn hạ tên lửa ở Dnepr là do mệt mỏi, thiếu ngủ và không có thời gian xác minh thông tin. Ông viết như sau:
“Tôi rất mệt mỏi. 320 ngày phát sóng trực tiếp vào buổi tối, ngoài công việc còn lại, [tôi] thiếu ngủ liên tục, truyền tải thông tin liên tục, đi công tác. Hàng triệu liên hệ mỗi ngày và tất cả đều có … “khẩn cấp và “thông tin khẩn cấp”.
Như vậy có thể thấy, nội bộ giới lãnh đạo Ukraine khá bất ổn và chính quyền Kyiv cũng bất nhất trong các tuyên bố của mình, miễn sao nó phục vụ cho lợi ích tuyên truyền phục vụ cỗ máy chiến tranh của họ.
Có thể bạn quan tâm: