Phương pháp thai giáo giúp thai nhi phát triển khoẻ mạnh

Thai giáo là phương pháp giáo dục thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Nhờ đó thai nhi được kích thích phát triển các tiềm năng về cả thể chất và trí tuệ; dễ dàng làm quen với cuộc sống bên ngoài ngay sau khi chào đời. Thai giáo nếu được áp dụng đúng đắn, đúng thời điểm sẽ tốt cho cả người mẹ lẫn thai nhi; giúp em bé phát triển tốt về cả mặt thể chất lẫn tinh thần.
- Tìm về cội nguồn Đạo hiếu – Chìa khóa vàng dạy con lòng hiếu thảo
- 12 cách dạy con phân biệt đúng sai bằng tình yêu thương
- Cây đinh lăng – “Nhân sâm của người nghèo” trong vườn nhà
Nhiều người cho rằng thai giáo chỉ bắt đầu từ lúc thụ thai và phân chia theo từng giai đoạn tương ứng với cột mốc phát triển của bé. Song để đạt được hiệu quả thai giáo chúng ta phải bắt đầu từ thời điểm chuẩn bị mang thai. Bố mẹ cần dựa vào cột mốc phát triển của bé về thính giác, khứu giác, xúc giác, thị giác, vị giác và cả cảm xúc; để lựa chọn phương pháp thai giáo phù hợp.
Nội dung chính
Thai giáo bằng thính giác
Ngay từ lúc được 4 tuần tuổi, thai nhi đã bắt đầu phát triển thính giác. Sang tuần thứ tám, tai ngoài hình thành và đến tuần 16 bắt đầu phản ứng với âm thanh. Đến tuần 24 – 25 hệ thống truyền âm thanh của thai nhi sẽ hoàn chỉnh.
Cha mẹ có thể trò chuyện với thai nhi nghe những câu chuyện, hát ru, đọc thơ… Điều này giúp cả nhà kết nối với nhau và còn giúp người cha gần gũi với con mình hơn.
Việc nghe những bản nhạc hay cũng giúp mẹ bầu loại bỏ được những cảm xúc khó chịu, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực. Từ đó, mẹ bầu sẽ có tâm lý vui vẻ và thỏa mái.
Nhiều mẹ bầu nghĩ thai nhi nằm trong bụng sẽ khó nghe âm thanh nên mở nhạc thật to để thai nhi nghe được rõ. Việc để âm lượng quá to sẽ khiến em bé khó chịu, thậm chí ảnh hưởng thính giác sau này.
Với phương pháp thai giáo bằng âm nhạc, mẹ cũng có thể mở cho thai nhi các chương trình ngoại ngữ, trò chơi để con có thể phát triển tư duy. Sau khi ra đời, em bé cũng dễ tiếp cận thêm một loại ngôn ngữ khác.
Thai giáo bằng xúc giác
Xúc giác của thai nhi bắt đầu phát triển từ tuần thứ 8 của thai kỳ. Thời điểm này bố mẹ đã có thể bắt đầu thai giáo bằng phương pháp tiếp xúc qua da.
Bố mẹ có thể tương tác với con bằng cách xoa, massage nhẹ nhàng trên thành bụng. Tuy nhiên, cần lưu ý phải massage đúng cách để tránh kích thích các cơn co tử cung. Mẹ bầu chỉ nên dùng ngón tay vuốt nhẹ thành bụng từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Và thực hiện động tác một hoặc hai lần một ngày và mỗi lần không quá 10 phút.
Việc tương tác cảm nhận thành bụng giúp mẹ theo dõi được động tác, tư thế xoay của thai nhi. Từ đó, mẹ cũng phát hiện được những hiện tượng bất thường của thai nhi để kịp thời xử lý.
Mẹ cần chú ý chỉ nên thực hiện phương pháp thai này giáo từ 3 tháng giữa trở đi. Tuyệt đối không thực hiện phương pháp xoa bụng trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Phương pháp thai giáo bằng vị giác
Phương pháp này bắt đầu từ thời điểm tiền mang thai đến khi thai nhi được hình thành. Chế độ dinh dưỡng của người mẹ ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển của thai nhi.
Bắt đầu từ tuần 13 đến tuần 16, thai nhi có gai lưỡi để cảm nhận mùi vị khác nhau. Vì vậy mẹ bầu cần bổ sung thức ăn dinh dưỡng để kích thích vị giác ở trẻ. Mẹ cần ăn đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, không nên kiêng khem quá mức. Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, không ăn quá no mà chia thành các bữa nhỏ trong ngày.

Phương pháp thai giáo bằng khứu giác
Khứu giác của thai nhi phát triển từ khá sớm vào tuần 9 của thai kỳ; nhưng đến tuần 13 các dây thần kinh khứu giác mới kết nối với não bộ. Và đến tuần 36 thì khứu giác của thai nhi mới hoàn chỉnh.
Thai nhi phản ứng tốt với mùi thông qua nước ối của mẹ. Để kích thích phát triển khứu giác cho bé, bố mẹ có thể chọn những tinh dầu có mùi hương dịu nhẹ, chiết xuất thiên nhiên. Đồng thời, tinh dầu còn giúp cải thiện những khó chịu và mệt mỏi của mẹ khi mang thai.
Thai giáo bằng thị giác
Phương pháp này thường được bắt đầu từ tuần 26 bởi đây là thời điểm thị giác của thai nhi đã phát triển.
Để rèn luyện phản xạ cho thai nhi, bố mẹ có thể thông qua các trò chơi như bật tắt bóng đèn, di đèn từ từ và quan sát phản ứng của trẻ. Trong ba tháng giữa, hệ thống thần kinh thị giác của thai nhi đã được hình thành cơ bản. Thai nhi lúc này đã có thể cảm nhận sự thay đổi của ánh sáng dù chưa mở mắt.
Mẹ thai giáo thông qua ánh sáng sẽ giúp thai nhi thích nghi với sự biến đổi về sáng tối; kích thích sự phát triển não bộ, thị giác và hệ thần kinh.
Mẹ nên nằm trong phòng có nhiệt độ ổn định, để lộ vùng bụng và dùng đèn pin có mức độ ánh sáng vừa phải chiếu vào bụng. Việc bật và tắt đèn giúp thai nhi dần thích ứng với sự thay đổi ánh sáng.
Phương pháp này nên thực hiện 1 – 2 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5 phút. Tránh thực hiện trong thời gian dài với ánh sáng quá mạnh để không ảnh hưởng đến thị lực của trẻ sau khi ra đời.
Phương pháp thai giáo thông qua vận động

Ở tháng thứ 4 thai kỳ, những bài tập thể dục là một trong những phương pháp hỗ trợ người mẹ cả về thể chất và tinh thần.
Khi hoạt động thể chất nhẹ nhàng, thai nhi sẽ tìm được tư thế thoải mái, dễ chịu, thích nghi với các tư thế của mẹ bầu khi vận động. Mẹ có thể tham khảo các bài tập yoga bầu, thiền – những bài tập đã được chứng minh là có lợi trong thai kỳ.
Thực hiện thai giáo bằng vận động từ tuần 20 trở đi sẽ giúp mẹ giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, và tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Nhiều người nghĩ có thai thì không nên đi ra ngoài, nhưng thực tế, trừ những trường hợp đặc biệt, mẹ bầu nên ra ngoài thường xuyên để tiếp xúc và cảm nhận những yếu tố bên ngoài. Mẹ có thể ngắm cảnh, ngắm bình minh, hoàng hôn, xem trình diễn nghệ thuật… Việc tiếp xúc thiên nhiên và cái đẹp, duy trì những hình ảnh tích cực rất có lợi cho sự phát triển nhân cách của bé sau này.