Ba thập niên sau bình thường hóa, quan hệ Việt – Mỹ đã vượt qua những gập ghềnh quá khứ để vươn tới tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Theo ông Bùi Thế Giang – nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ, cần nhìn mối quan hệ này không chỉ qua lăng kính song phương, mà đặt trong bức tranh lớn về hội nhập quốc tế hiện đại.

Từ chủ động hòa giải đến quyết sách chiến lược

Chỉ hai tuần sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định thành lập Văn phòng VNOSMP, đơn phương tổ chức tìm kiếm binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh. Đây là hành động thể hiện tinh thần nhân đạo, nhưng cũng là một bước đi có tầm nhìn chiến lược nhằm kéo Mỹ vào tiến trình bình thường hóa.

Từ năm 1973 đến 1988, Việt Nam thực hiện tìm kiếm MIA một cách chủ động, đến năm 1988 Mỹ mới chính thức tham gia. Ông Bùi Thế Giang nhận định: “Nếu nói về tính chủ động, dường như Việt Nam chủ động nhiều hơn. Điều này minh chứng cho sự quyết đoán, tầm nhìn quốc tế và thái độ ứng xử cao thượng của Việt Nam, ngay cả với cựu thù”.

Sau hơn 50 năm, Việt Nam đã bàn giao cho Mỹ hơn 1.000 bộ hài cốt, giúp xác định danh tính 740 quân nhân Mỹ tử trận. Ngược lại, phía Mỹ cũng trao cho Việt Nam nhiều tư liệu về liệt sĩ, cựu chiến binh mất tích trong chiến tranh.

Những nỗ lực đó được ghi nhận trong Tuyên bố chung năm 2023 khi nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tổng thống Mỹ lúc đó, ông Joe Biden, đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc với Việt Nam trong việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh.

Đặc biệt và tích cực – Bức tranh 30 năm

Nhìn lại 30 năm qua, ông Bùi Thế Giang nhấn mạnh hai từ: đặc biệt và tích cực. Đặc biệt vì quan hệ Việt – Mỹ khởi đầu từ chiến tranh, sau đó chuyển biến vượt bậc để trở thành đối tác chiến lược. Tích cực vì hai bên đã vượt qua khác biệt, tìm được tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, an ninh đến giáo dục và công nghệ.

Ông Giang dẫn ví dụ việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đạt thỏa thuận về thuế quan với Việt Nam – một điều không dễ dàng giữa thời kỳ Mỹ siết chặt thương mại toàn cầu. Điều này cho thấy sự linh hoạt và bản lĩnh đàm phán của Việt Nam trước những đối tác lớn như Mỹ.

Vai trò của nhân dân và cộng đồng

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (phải) chúc mừng và biểu dương việc cô Amanda Nguyễn trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian, trong cuộc gặp ở Phủ Chủ tịch vào ngày 11-7
(Ảnh Tuổi TRẻ Online)

Theo ông Giang, một mối quan hệ bền vững không thể chỉ dựa vào chính phủ, mà còn cần sự đóng góp từ các lực lượng ngoài nhà nước. Từ các tổ chức phi chính phủ, học giả, trí thức đến cộng đồng người Việt tại Mỹ – tất cả đều là “lực lượng cử tri quan trọng” có ảnh hưởng đến chính sách của Washington.

Một trong những biểu hiện tích cực là sự thay đổi trong cộng đồng Việt kiều tại Mỹ. Chỉ trong ba thập niên, nhiều người từng mang định kiến chính trị đã quay về thăm quê hương, đóng góp cho các dự án hợp tác và hàn gắn vết thương chiến tranh.

Cũng theo ông Giang, nhiều nhà ngoại giao Mỹ từng chia sẻ rằng việc được sang công tác tại Việt Nam là “niềm vui” và “may mắn”, bởi họ cảm nhận được sự thiện chí, nhân văn và sâu sắc trong văn hóa ứng xử của người Việt.

Tầm nhìn trong hội nhập quốc tế

Ông Bùi Thế Giang cho rằng Việt Nam cần tiếp tục kiên trì nhận thức đúng về vai trò của Mỹ – một cường quốc có ảnh hưởng sâu rộng đến chính trị, kinh tế, tài chính, công nghệ toàn cầu.

“Mọi đánh giá thiếu khách quan về Mỹ, hoặc dao động vì biến động chính trị nội bộ của họ, đều có thể khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội chiến lược lớn trong dài hạn”, ông nhấn mạnh.

Vì vậy, quan hệ Việt – Mỹ cần được đặt đúng vị trí trong tổng thể chiến lược hội nhập quốc tế, như tinh thần Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 đã xác định: “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới là quyết sách đột phá, là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

Chính vì thế, trong điện mừng gửi Tổng thống Mỹ nhân dịp Quốc khánh lần thứ 249 và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo cấp cao Việt Nam khẳng định Mỹ là đối tác chiến lược quan trọng, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục đưa quan hệ song phương phát triển thực chất, hiệu quả và lâu dài.

Gắn kết tương lai bằng đối thoại và tiếp xúc

Theo ông Giang, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, việc tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, đặc biệt cấp cao sẽ giúp hai bên củng cố lòng tin, hiểu biết và cảm nhận trực tiếp về “tình người, chất người” và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đó là điều không thể truyền tải đủ qua văn bản hay đàm phán gián tiếp, mà chỉ có thể đạt được qua sự tiếp xúc trực tiếp, thấu hiểu và đồng hành. “Đó là cách chúng ta giữ được lòng tin và tạo nền tảng dài lâu cho một mối quan hệ đặc biệt”, ông Giang khẳng định.

Theo: Tuổi Trẻ Online