Biển Đông: Hà Nội lên án Trung Quốc đâm chìm thuyền cá Việt Nam
Hôm 4/4 đài phát thanh quốc tế Pháp đưa tin một thuyền cá của Quảng Ngãi đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ngày 02/04. Và cổng Thông tin điện tử của Việt Nam đăng lại lời của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo 3/4, cho biết trên tàu có 8 ngư dân Việt Nam, đánh bắt tại ngư trường gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng đã bị Trung Quốc cướp đoạt từ năm 1974.
Nội dung chính
Hội Nghề Cá Việt Nam thông cáo
Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam, tàu Trung Quốc đã vớt 8 ngư dân của tàu đưa về đảo Phú Lâm. Khi nhận được tin cấp báo, ba tàu cá khác của Quảng Ngãi đã chạy đến ứng cứu và đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi, bắt giữ. Đến chiều tối 02/04, Trung Quốc đã trao trả 8 ngư dân và 2 tàu cá bị bắt. Hội Nghề Cá Việt Nam kịch liệt lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của phía Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao tuyên bố
Trong cuộc họp báo ngày 3/3, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thi Thu Hằng tuyên bố động thái của Trung Quốc “đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”.
Theo bà Hằng, đại diện bộ Ngoại Giao đã trao công hàm phản đối cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc “điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao tuyên bố Việt Nam “có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý” để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Phản ứng của Trung Quốc
Như thông lệ, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cáo buộc rằng tàu cá Việt Nam đã xâm nhập “trái phép” vào khu vực Hoàng Sa để đánh cá và đã không tuân lệnh rời khỏi khu vực này. Họ khẳng định thuyền cá Việt Nam đã bị chìm khi đâm tàu Trung Quốc.
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những động thái gây căng thẳng tình hình ở Biển Đông. Một số nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng Bắc Kinh đang tranh thủ tình hình cả thế giới đang vật lộn với virus Vũ Hán để “lấn tới” trong quyết tâm xâm chiếm khu vực biển đầy tiềm năng ở châu Á.
Mới nhất, hôm 24/3, Trung Quốc làm lễ khánh thành hai “trạm nghiên cứu”, mà báo chí quốc tế gọi là các cơ sở quân sự mới, trên Đá Chữ Thập và Đá Subi ở Trường Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền, buộc Hà Nội sau đó phải lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh “tôn trọng chủ quyền”.