Cuộc sống ‘địa ngục trần gian’ của thủy thủ mắc kẹt trên tàu suốt…4 năm ở kênh Suez
Thủy thủ người Syria Mohammed Aisha đã mắc kẹt trên một tàu chở hàng đang bị giữ tại Ai Cập suốt 4 năm. Đến đầu tháng này, anh cuối cùng cũng được trả tự do.
- Tên lửa Trung Quốc sắp rơi xuống Trái đất, đang được ‘giám sát chặt’
- Video bác sĩ ‘phát hoảng’ vì thai phụ sinh liền một lúc 9 em bé
Đài Fox News đưa tin hôm 2/5 cho biết cơn ác mộng của Mohammad Aisha, 33 tuổi, bắt đầu từ tháng 5/2017, khi tàu container MV Aman bị bắt giữ ở cảng Adabiya, phía nam kênh đào Suez, do có tranh chấp pháp lý với chính quyền Ai Cập.
“Tôi không biết vì sao mình lại gặp phải điều này. Thế giới đang cách ly, nhưng tôi là bị bỏ rơi”, Aisha nói.
Khi nhân viên tòa án Ai Cập tìm đến, Aisha đang sửa chữa trên tàu, còn thuyền trưởng đã lên bờ. Tòa án tuyên bố con tàu sẽ bị giữ tới khi chủ sở hữu thanh toán 21.500 USD cho một mỏ neo 3 tấn được mua một năm trước đó.
Aisha, với tư cách là thuyền phó, đã ký giấy xác nhận bản thân là người giám hộ hợp pháp của con tàu theo lời khuyên của thuyền trưởng.
“Tôi không biết rằng đây là sai lầm lớn nhất đời mình”, Aisha chia sẻ.
Những ngày tháng ‘địa ngục trần gian’ của thủy thủ mắc kẹt trên tàu
Vào tháng 11/2017, Aisha muốn xuống tàu nhưng các quan chức cảng không cho phép. Phía Ai Cập thông báo rằng Aisha không được phép rời tàu vì anh là người giám hộ hợp pháp của con tàu.
Thảm kịch chưa dừng lại khi vào năm 2018, Aisha nhận được tin mẹ qua đời. Tiếp đó, anh bị bỏ rơi hoàn toàn trên tàu năm 2019, sau khi các thành viên thủy thủ đoàn lần lượt nghỉ việc và trở về nhà.
Đây là quãng thời gian tồi tệ nhất đối với người đàn ông này. Sức khỏe của Aisha ngày càng suy giảm, trong khi tâm lý cũng bị ảnh hưởng. Anh bắt đầu có các triệu chứng giống như bệnh còi xương, và đã rụng ba chiếc răng sau nhiều tháng ăn uống thiếu dinh dưỡng. Để ngủ được, anh phải uống tới 12 viên thuốc giảm đau mỗi đêm.
“Tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về việc tự sát. Vào ban đêm, con tàu như một nấm mồ. Bạn không thể nhìn thấy gì hay nghe thấy gì. Cảm giác giống như ở trong quan tài”, người thủy thủ bất hạnh hồi tưởng lại quãng đời như ở “địa ngục trần gian” của mình.
Phía chủ sở hữu chịu trách nhiệm cung cấp lương thực và nhiên liệu cho Aisha, nhưng việc viện trợ ngày càng thưa thớt. Khi thực phẩm trên tàu cạn kiệt, Aisha dùng xuồng cứu sinh bơi vào bờ hai lần, tuy nhiên anh đều bị cảnh sát hộ tống quay trở lại con tàu.
Aisha thậm chí còn cầu xin chính quyền địa phương tống giam mình, nhưng họ từ chối vì anh không làm gì sai.
Tháng 10/2019, con tàu bị nước tràn vào và dâng lên 6m. Thủy thủ này được lực lượng tuần tra quân sự đưa vào bờ, nhưng được đưa quay trở lại tàu đã sửa chữa sau 10 ngày thẩm vấn.
Tháng 3/2020, một cơn bão đẩy tàu MV Aman khỏi nơi neo đậu và cuốn con tàu đi 8km, khiến nó bị mắc cạn cách bờ vài trăm mét.
Đối với Aisha, đây là dịp may hiếm có. Sau sự kiện này, anh có thể chèo thuyền vào bờ vài ngày một lần để mua thức ăn, nước uống và sạc điện thoại. Tuy nhiên, người đàn ông chỉ có thể ở lại trên bờ tối đa 2 tiếng vì đây là khu vực hạn chế quân sự.
May mắn được tự do trở lại
Aisha cuối cùng đã được trả tự do sau khi Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITWF) “đề nghị để một trong những đại diện công đoàn của họ ở Ai Cập thay thế Aisha và đảm nhiệm vai trò người giám hộ của con tàu”.
Thủy thủ này cho rằng mình đã bị luật pháp Ai Cập dồn vào đường, cũng như bị bỏ rơi bởi chủ sở hữu tàu. Không giao tiếp trong thời gian dài khiến anh suy sụp và cảm thấy mình bị cô lập.
“Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những người đã khiến tôi bị giữ lại ở đây trong khi tôi mất đi gia đình, từng người một”, Aisha nói.
Khi chuẩn bị rời khỏi con tàu, Aisha tuyên bố bản thân “không bao giờ muốn nhìn thấy con tàu chết tiệt ấy một lần nào nữa”.
Theo TTXVN, tình trạng những con tàu và thủy thủ đoàn bị mắc kẹt, hay bị bỏ rơi là điều phổ biến đáng ngạc nhiên. Có nhiều nguyên nhân gây ra điều này, như chủ tàu biến mất, tranh chấp tiền lương hoặc vấn đề về quản lý.
Thủy thủ đoàn trên con tàu Ever Given từng chắn ngang kênh đào Suez hồi tháng 3 cũng đang có nguy cơ mắc kẹt trên tàu nếu chủ tàu không trả tiền bồi thường và giúp họ về nước. Hiện con tàu vẫn đang bị chính quyền Ai Cập giữ ở một hồ nước lớn thuộc kênh Suez.