Vụ việc móc nối nâng giá hệ thống xét nghiệm tự động, Giám đốc CDC Hà Nội và 6 người khác bị bắt, trong đó có nhân viên của Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông. Đơn vị này được chỉ định thầu, cung cấp máy cho CDC Hà Hội và nhiều tỉnh thành.

Kết quả điều tra ban đầu vụ việc tại CDC Hà Nội, xác định hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu hơn 2 tỷ đồng, sau khi mua bán phân phối lòng vòng thì giá được nâng lên 7 tỷ. Cùng với lãnh đạo và nhân viên của CDC Hà Nội, nhân viên Nguyễn Thanh Tuyền của Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông – đơn vị cung cấp máy xét nghiệm – cũng bị khởi tố.

Tìm hiểu của PV Dân Trí trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia thì Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông thành lập từ cuối tháng 11/2000, trụ sở chính tại Quận Đống Đa, TP Hà Nội, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Xuân Thành.

Trên trang web, Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông chuyên cung cấp thiết bị y tế, trong đó có cung cấp hệ thống Realtime PCR. Đặc biệt là phân phối máy xét nghiệm Realtime PCR giúp rút ngắn thời gian xét nghiệm nCoV từ 10 ngày xuống còn 4 giờ.

Ông Nguyễn Xuân Thành – người đại diện theo pháp luật của Công ty phương Đông – ảnh trên Người Việt.

Từ cuối tháng 1/2020, Công ty Phương Đông đã lắp đặt hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tại nhiều đại phương và bệnh viện lớn, đáng kể đến là CDC Hà Nội, CDC Quảng Ninh, Vinmec, Phổi Trung ương, Nhi Trung ương, Đa khoa Bắc Giang. Đây cũng chính là Công ty được Hải Phòng gửi văn bản cho mượn máy Realtime PCR.

Báo Thanh Niên nêu tên một người khác trong vụ CDC Hà Nội là Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam. Công ty này có trụ sở tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội, thành lập từ năm 2015, cung cấp thiết bị y tế, máy thở cho CDC Hà Nội. Theo giới thiệu trên website, Công ty cung cấp các thiết bị, phòng thí nghiệm nghiên cứu, xét nghiệm. Nhiều sản phẩm được công ty này giới thiệu trong đó có máy Realtime PCR Mygo Pro và máy Realtime PCR Mygo Mini.

Ngoài 2 đơn vị liên quan CDC Hà Nội, một số Công ty cũng đã lộ diện khi cung cấp máy xét nghiệm cho tỉnh thành khác. Tại Thái Bình, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc, trụ sở Q.Thanh Xuân, Hà Nội, người đại diện Nguyễn Hữu Nghĩa, hoạt động từ 2004 cũng trúng thầu cung cấp máy xét nghiệm với giá gần 6 tỉ đồng.

Gói thầu của tỉnh Quảng Nam rơi vào tay Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt, trụ sở Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội. Công ty này hoạt động từ năm 2013, giám đốc là bà Lê Thị Tuyến, trúng thầu 7,23 tỷ, sau đó đề nghị giảm giá xuống còn 4,8 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Tuyến, giám đốc Công ty Giải Pháp Việt đề nghị giảm giá hơn 2 tỷ – ảnh trên Kiến thức.

Liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt – Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao ký hợp đồng với Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh mua bán thiết bị Realtime PCR giá 8,4 tỷ đồng. Nhưng sau cuộc làm việc với cơ quan điều tra, Sở này đã ký 2 lần phụ lục hợp đồng, giảm xuống còn hơn 5 tỷ đồng. Sở Y tế đã chuyển tạm ứng 4,2 tỷ đồng cho bên trúng thầu, nhưng hôm 21/4 bên trúng thầu đã hoàn trả lại.

Thống kê từ hệ thống đấu thầu quốc gia cho thấy từ đầu năm tới nay, Công ty TNHH TBYT và khoa học Tâm Việt liên tục trúng nhiều gói thầu tại Sở Y tế Ninh Bình, Bắc Ninh. Hệ thống Realtime PCR Công ty này phân phối của Hãng Roche, Thụy Sỹ, giá gần 6 tỉ đồng. Công ty Tâm Việt được thành lập từ 2014, giám đốc công ty là ông Ngô Bá Bình, Q.Hoàng Mai, Hà Nội.

Hiện nay quy định của luật Đấu thầu và các nghị định liên quan thì đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước được chỉ định thầu rút gọn trong tình huống cấp bách như thiên tai, đại dịch. Tuy nhiên, mức giá phải phù hợp với mặt bằng chung trên thị trường, không thể có chuyện cũng một sản phẩm thông số tương tự ở hai nơi với mức giá khác nhau thậm chí cao gấp nhiều lần.