Bệnh nhân chảy máu não tăng 10-20% do trời rét đậm
TS.BS Đào Việt Phương – Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, liên tiếp những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 35-40 bệnh nhân bị đột quỵ. Trong đó số bệnh nhân nặng tăng lên, riêng nhóm chảy máu não tăng 10-20%.
- Ăn củ sắn cao sản, bé 3 tuổi thiệt mạng trên đường đến bệnh viện
- Phẫu thuật thành công cho bé trai 3 tuổi nuốt 18 viên nam châm trong máy massage mắt
- Nam thanh niên gặp nạn tại phòng trọ do bị cảm sau khi tắm đêm
Cụ thể, báo Dân Trí dẫn lời TS.BS Phương cho biết: “Đột quỵ liên quan đến nhiều yếu tốt, trong đó thời tiết là một phần. Trời rét là yếu tố thúc đẩy nhóm bệnh nhân bị đột quỵ, đặc biệt là chảy máu não, bệnh nhân có cơn tăng huyết áp kịch phát”.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến một số yếu tố như chế độ ăn (trời rét có xu hướng ăn mặn hơn, ăn nhiều chất mỡ hơn), giảm vận động. Nguy hiểm nhất là trời rét bệnh nhân bị gián đoạn điều trị huyết áp hằng ngày, hết thuốc ngại không đi khám, quên uống thuốc.
Việt Nam mỗi năm ghi nhận 200.000 người bị đột quỵ, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Đáng chú ý số bệnh nhân đang gia tăng hàng năm, đặc biệt nhiều người mới chỉ 40-45 tuổi.
Dù mới thành lập chưa được bao lâu, mỗi tháng Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 1.000 bệnh nhân bị đột quỵ. Với điều trị đột quỵ thời gian là não, điều trị càng sớm bao nhiêu thì tỷ lệ hồi phục càng cao bấy nhiêu.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phương thống kê chỉ khoảng 10-20% bệnh nhân đến viện sớm. Có bệnh nhân có dấu hiệu khởi đột quỵ từ chủ nhật nhưng đến tận thứ 2 (sau 3 ngày mới vào viện). Đây là điều rất đáng tiếc để bác sĩ có thể có những biện pháp can thiệp hiệu quả. Những trường hợp vào viện muộn như thế không phải hiếm gặp.
“Mơ ước của những người làm bác sĩ như chúng tôi là bệnh nhân đến ngay trong 3 giờ đầu tiên. Đây là điều cực kỳ khó, chỉ có bệnh nhân ở Hà Nội. Vì thế, chỉ khi nhận ra có hiệu đột quỵ, bệnh nhân chỉ cần đến một cơ sở y tế được thực hành điều trị đột quỵ đã là tốt”, TS.BS Phương chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Phương chia sẻ trên báo VietNamNet, để phát hiện sớm đột quỵ, TS.BS Phương lưu ý 5 dấu hiệu:
Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể).
Đột ngột mất ngôn ngữ, giọng bị méo hoặc nói khó.
Thị lực một bên đột ngột bị mất.
Đau đầu dữ dội.
Cơ thể mất thăng bằng, chóng mặt.
Nếu ai có bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển người bệnh an toàn tới bệnh viện gần nhất.