Bạn có biết có một ngôi chùa đá rơi không tới, mưa xối không nổi? Đó chính là Huyền Không tự – ngôi chùa nằm cheo leo hàng ngàn năm không hư hại trên vách núi thẳng đứng Hằng Sơn ở Trung Quốc

Ngôi chùa cổ đặc biệt nổi tiếng khắp thế giới

Chùa Huyền Không tọa lạc tại Kim Long Hạc, Bắc Nhạc, Hằng Sơn, huyện Hồn Nguyên, thành Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây. Vị trí rất đắc địa, nằm tại nơi được mệnh danh là “nhân thiên bắc trụ” – tức là cột trụ phía Bắc kết nối con người với trời.

Năm 2010, Huyền Không tự lọt top 10 ngôi chùa có kiến trúc bí ẩn nhất thế giới do tạp chí The Time bình chọn (ảnh: Travelmag).
Năm 2010, Huyền Không tự lọt top 10 ngôi chùa có kiến trúc bí ẩn nhất thế giới do tạp chí The Time bình chọn (ảnh: Travelmag).

Huyền Không Tự được cho là xây dựng từ những năm cuối của triều Bắc Nguỵ, sau đó lần lượt được tu sửa vào thời Hậu Kim, Nguyên, Minh và Thanh. Lần cuối cùng được tu sửa là vào năm 1900.

Huyền Không tự nằm cách mặt đất khoảng 75m, nép mình trên lưng chừng vách núi dựng đứng. Hai bên là vách núi cao hơn 100m. Khung cảnh xung quanh hiểm trở, kì vĩ, tráng lệ thuộc vào loại kiến trúc hiếm thấy bậc nhất trong lịch sử.

Khung cảnh hùng tráng xung quanh Huyền Không Tự (ảnh chụp màn hình: Ms.Ruby).
Khung cảnh hùng tráng xung quanh Huyền Không Tự (ảnh chụp màn hình: Ms.Ruby).

Vị trí sở tại của chùa Huyền Không nằm trong hẻm núi được bao bọc bởi hai ngọn núi. Ở giữa bị nước sông xói mòn hình thành một rãnh tự nhiên. Đá lăn xuống thuận theo đường parabol, bởi vậy bất luận là đá lăn nhiều thế nào cũng không thể rơi trúng vào ngôi chùa.

Vị trí xây dựng đặc biệt còn có thể tránh lũ lụt. Dưới đỉnh núi cao, toàn bộ ngôi chùa được che chắn khỏi mưa, nắng và bão tuyết. Đối với những người tu luyện mà nói nơi này thật quá đỗi hoàn hảo để tránh tiếng ồn và những sinh hoạt phàm tục của người thường.

Hơn 1.400 năm qua, Huyền Không tự đã gặp phải vô số cơn địa chấn, thậm chí 20 năm trước, tại đây từng xảy ra trận động đất mạnh 6,1 độ richter, nhưng Huyền Không tự không mảy may tổn hại. Trong khi đó, huyện Hỗn Nguyên có hơn 10.000 ngôi nhà bị phá hủy.

Mỗi khi có người bước lên thang treo thì tiếng kêu “kẽo kẹt” phát ra như muốn dọa người (ảnh chụp màn hình: Danviet).
Mỗi khi có người bước lên thang treo thì tiếng kêu “kẽo kẹt” phát ra như muốn dọa người (ảnh chụp màn hình: Danviet).

Chùa treo trên không trung nên lối đi giữa những điện thờ cũng là dạng cầu treo. Có cái là đường gấp khúc được xếp gỗ kín, có chỗ phải trèo lên vách đá để đi, có chỗ phải vượt qua vách đá và trèo qua cửa sổ để vào phòng, cao thấp quanh co giống như mê cung.

Tuy nhiên, du khách có thể yên tâm vì đến nay chưa có bất cứ ghi chép nào cho thấy có thiệt hại về người tại đây.

Kiến trúc độc đáo, bí ẩn bậc nhất thế giới

Bên trong chùa có hơn 80 bức tượng Phật được đúc bằng đồng, đúc bằng sắt, nặn bằng đất sét, điêu khắc đá… như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử, Lão Tử. Nhiều người cho rằng, ngôi chùa đặc biệt này đã được chứng kiến quá trình tu luyện của rất nhiều bậc chân tu trong Phật giáo và Đạo giáo cũng như Nho giáo.

Bên cạnh địa hình gây “thót tim”, Huyền Không tự còn được các chuyên gia đánh giá là kỹ thuật xây dựng sáng tạo và khó thực hiện, ngay cả với trình độ công nghệ phát triển hiện đại như ngày nay.

Ngôi chùa nằm an nhiên, tĩnh tại trên những cột gỗ nhỏ và mảnh, đường kính chỉ khoảng 10-20cm được bố trí thưa thớt. Các nhà khoa học đã từng nhầm lẫn những chiếc cột đó dùng để chống đỡ toàn bộ ngôi chùa. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy.

Những thanh xà thần kỳ

Mục đích của những cây cột đó là để làm gì, khi mà người ta có thể dùng tay để đẩy và nó đung đưa theo? Ngôi chùa này bằng cách nào có thể trụ vững trên vách đá với những cột trụ chông chênh đến bất cẩn như vậy? 

Đục lỗ trên vách đá và chèn một cái nêm hình tam giác, dầm được đỡ bởi nêm và được cố định chắc chắn, dù có rung lắc đến đâu cũng không thể bị tuột ra (ảnh chụp màn hình: Ms.Ruby)
Đục lỗ trên vách đá và chèn một cái nêm hình tam giác, dầm được đỡ bởi nêm và được cố định chắc chắn, dù có rung lắc đến đâu cũng không thể bị tuột ra (ảnh chụp màn hình: Ms.Ruby)

Về sau, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra bí mật: cột trụ không phải chỗ chịu lực, điểm chịu lực mấu chốt là 28 thanh xà nằm ngang, cắm sâu vào khe đá chỉ đua ra ngoài khoảng ⅓ . Nhà thiết kế đại tài lợi dụng thân núi vững chãi làm một chiếc bàn không chân, chùa Huyền Không nằm trên chiếc bàn đó.

Một điểm kì lạ khác, người ta chỉ dùng gỗ thiết sam (loại gỗ họ thông) gia công làm thanh xà ngang. Những xà gỗ này được ngâm trong dầu tung (một loại cây ở Trung Quốc có tên khoa học là Vernicia fordii) để chống ẩm, chống sự ăn mòn và côn trùng. Cũng có tác dụng như chất keo đặc biệt có khả năng hoà gỗ vào đá thành một thể, tạo nên kết cấu vô cùng chắc chắn.

Cận cảnh xà ngang ghim sâu vào trong đá một cách hoàn hảo, không lộ khe hở (ảnh: Zhangzhugang / Wikipedia).
Cận cảnh xà ngang ghim sâu vào trong đá một cách hoàn hảo, không lộ khe hở (ảnh: Zhangzhugang / Wikipedia).

Những cột trụ thẳng chỉ có tác dụng như những chiếc “lò xo giảm xóc” cho công trình đồ sộ phía trên. Sự đung đưa cũng là tính toán có chủ đích, không phải bởi xuống cấp, hay quản lý cẩu thả của ban di tích mà thành ra như vậy.

Sử dụng kỹ thuật liên kết các chi tiết bằng “mộng” của Đạo gia

Ngoài ra, Huyền Không tự là một toà kiến trúc được kiến tạo hoàn toàn bằng gỗ. Kết cấu mộng và lỗ mộng của ngôi chùa được gọi là “kết cấu đàn hồi”. Nó có thể tùy theo rung động địa chấn mà lắc lư, “lấy mềm khắc cứng” do đó hiệu quả kinh ngạc trong việc triệt tiêu xung kích của động đất.

Đây là một thiết kế có đặc tính hấp thụ rung sốc tinh tế của Huyền Không tự. Đặc tính này chính là lý do giúp ngôi chùa này ung dung tồn tại qua mọi thảm họa thiên nhiên, và nhất là động đất. 

Chùa gỗ được ghép thủ công bằng các mộng – lối kiến trúc thể hiện cảnh giới trí tuệ siêu việt của người xưa (ảnh: Tourtrungquoc).
Chùa gỗ được ghép thủ công bằng các mộng – lối kiến trúc thể hiện cảnh giới trí tuệ siêu việt của người xưa (ảnh: Tourtrungquoc).

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn nữa được đặt ra: vào thời xa xưa ấy, cổ nhân chưa có máy móc thi công cơ giới hiện đại, vậy họ làm cách nào để khoan những lỗ vuông vức vào sâu trong vách đá dựng đứng? Và bằng cách nào họ vận chuyển những thanh xà lớn lên vị trí cao như vậy?

Xung quanh những ẩn đố này, người ta đã đưa ra nhiều suy đoán, nhưng thật khó để lý giải chúng. Bất luận là từ góc độ nghệ thuật kiến ​​trúc hay kỹ thuật xây dựng, Huyền Không tự đều khiến người ta khâm phục. Nơi này đã lưu lại quá nhiều bí ẩn thiên cổ khiến cho những người ưa khám phá chúng ta ngày nay không hết lời cảm thán.

Có thể bạn quan tâm: