Vào ngày 02/06, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng trên Twitter: “Hôm nay, Mỹ phản đối các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông tại Liên Hợp Quốc. Chúng tôi coi những yêu sách này là bất hợp pháp và nguy hiểm. Các quốc gia thành viên phải đoàn kết để duy trì luật pháp quốc tế và tự do trên biển”.

Kèm theo lời tuyên bố này, ngoại trưởng Mỹ đã gửi kèm công hàm do Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Kelly Craft gửi cho Tổng thư ký Antonio Guterres. Công hàm nêu rõ: “Hoa Kỳ một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các yêu cầu về hàng hải theo luật pháp quốc tế như được ghi trong Công ước Biển quốc tế; cần tuân thủ quyết định của Toà án ngày 12/07/2016 và chấm dứt các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông”.

“Hoa Kỳ phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với “các quyền mang tính lịch sử” ở Biển Đông, phản đối các yêu sách vượt quá các quyền về hàng hải mà Trung Quốc có thể khẳng định phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong [Công ước biển 1982]”

Đại diện của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc cho biết: “Hoa Kỳ lưu ý về kết luận của Tòa án trong phiên xử tranh chấp giữa Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nhất trí kết luận rằng các yêu sách của Trung quốc đối với “quyền lịch sử” là không phù hợp với Công ước Biển quốc tế, vượt quá giới hạn của các khu vực hàng hải có thể có của Trung Quốc như đã được quy định cụ thể trong Công ước”.

Đồng thời, bà Kelly đã bổ sung thêm ý kiến rằng: “Sau khi khẳng định các yêu sách hàng hải rộng lớn như vậy ở biển Đông, Trung Quốc đã có ý định hạn chế các quyền và tự do, bao gồm các quyền và tự do hàng hải mà trước đây đã được tất cả các quốc gia cùng thống nhất. Hoa Kỳ phản đối các yêu sách này vì vượt quá các quyền lợi mà Trung Quốc có thể yêu cầu theo luật quốc tế như được ghi trong Công ước. Hoa Kỳ lưu ý rằng chính phủ Philippines, Việt Nam và Indonesia đã gửi các kiến nghị phản đối có tính pháp lý đối với các yêu sách hàng hải được nêu trong công hàm số hiệu CML/14/2019 mà Trung Quốc gửi đến Liên hiệp quốc”.

Như vậy có thể nói, biển Đông là một địa điểm nhạy cảm trong việc thể hiện sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc, các bình luận viên quốc tế nhận định rằng không nơi nào tàu chiến, máy bay của Mỹ và Trung Quốc lại chạm trán với tần suất nhiều như ở Biển Đông.

Tuy rằng hiện nay nước Mỹ đang có một số chủ đề nóng như biểu tình, dịch bệnh và chiến dịch tranh cử Tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2020, còn về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố gắng hướng sự chú ý khỏi một nền kinh tế bị tổn thương do dịch bệnh Covid-19, nhưng cả Washington và Bắc Kinh đều không hề rời mắt khỏi Biển Đông.