Chiều ngày 30/9, tại buổi họp báo thường kỳ quý III năm 2020, Bộ GD-ĐT cho biết chưa đủ căn cứ xác đáng để nói chương trình SGK lớp 1 nặng.

Theo Vietnamnet, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay, thời gian gần đây có nhiều phụ huynh chia sẻ trên một số MXH, diễn đàn cho rằng nội dung chương trình lớp 1 mới hơi nặng. Tuy nhiên, nhận định này chưa đủ căn cứ xác đáng.

“Bộ GD-ĐT chưa nhận được bất kỳ ý kiến phản ánh nào từ các giáo viên, cơ sở giáo dục hay các chuyên gia cho rằng chương trình lớp 1 mới hơi nặng”, ông Tài nói.

Ông Tài còn cho biết, chương trình đang triển khai hiện nay có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng cho một năm học. Khi ban hành chương trình,  đã phải tổ chức rất nhiều công đoạn, trong đó không thể thiếu khâu thực nghiệm và lấy ý kiến của hội đồng thẩm định quốc gia.

Ông Tài lưu ý, có một điều chỉnh dựa trên quan điểm là khi hoàn tất lớp 1 sẽ cố gắng để học sinh có thể đọc viết thông thạo, là tiền đề để các em có thể học tốt các môn học khác.

“Môn Tiếng Việt ở chương trình phổ thông mới, về mặt kiến thức, không cao hơn so với chương trình hiện hành. Thời lượng dạy học được điều chỉnh từ 350 tiết lên 420 tiết và kiến thức đã có phần tinh giản hơn so với chương trình trước. Như vậy, số tiết học Tiếng Việt trong một tuần của học sinh chắc chắn sẽ nhiều hơn so với chương trình trước đây. Do đó, nếu 1 phụ huynh nào đó có con lớn năm ngoái học lớp 1 và  năm nay đứa em cũng vào lớp 1, nếu so sánh 2 chương trình thì thấy số tiết học Tiếng Việt năm nay nhiều hơn nên dễ nhầm tưởng rằng chương trình nặng”, ông Tài lý giải.   

Ngoài vấn đề trên, tại buổi họp báo chiều qua, Bộ cũng giải đáp thắc mắc được nhiều vấn đề nóng liên quan đến giáo dục như: Không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; Về điện thoại: học sinh chỉ được sử dụng trong giờ học với mục tiêu phục vụ học tập, phải được giáo viên cho phép và kiểm soát chặt chẽ; Thi và tuyển sinh 2021 – 2025: đang nghiên cứu phương án đảm bảo công bằng cho thí sinh, có sự giám sát mạnh của xã hội, tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.