Ca nghi nhiễm dịch hạch – bệnh dịch còn gọi “cái chết đen” vừa xuất hiện tại thành phố Bayan Nur thuộc khu tự trị Nội Mông khiến giới chức Trung Quốc lo sợ.

Xem thêm

Truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã cho biết, ca nghi nhiễm dịch hạch đã xuất hiện tại thành phố Bayan Nur thuộc khu tự trị Nội Mông từ mấy ngày trước. Đến hôm qua, ngày 5/7, giới chức thành phố buộc phải phát cảnh báo ở cấp ba trong hệ thống bốn cấp tại Trung Quốc.

Bản đồ vị trí Bayan Nur (ảnh Google map).

Cảnh báo này cấm các hoạt động săn bắn và ăn thịt động vật có thể mang mầm bệnh dịch hạch, yêu cầu công chúng trình báo bất kỳ trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh dịch hạch hoặc sốt mà không rõ nguyên nhân.

Chính quyền cũng yêu cầu người dân trình báo nếu họ nhìn thấy bất kỳ con sóc marmot nào bị bệnh hoặc chết.

Theo Reuters, hồi tháng 11 năm 2019, cũng tại vùng Nội Mông đã xuất hiện có 4 ca bệnh dịch hạch, trong đó 2 ca là dịch hạch thể phổi.

Trong giai đoạn từ năm 2009-2018, giới chức y tế Trung Quốc ghi nhận 26 ca bệnh dịch hạch xuất hiện tại nước này, khiến 11 người tử vong. Tuy nhiên, đây chỉ là những ca mắc bệnh lẻ, chưa bùng phát thành dịch.

Bức Le Triomphe de la Mort (“Thần Chết Khải hoàn”, vẽ khoảng năm 1562) của họa sĩ Phục hưng Pieter Bruegel phản ánh những biến động và sợ hãi mang tính toàn xã hội theo sau bệnh dịch hạch tàn phá châu Âu Trung Cổ.

Nếu các ca nhiễm dịch hạch không được kiểm soát, bùng lên thành đại dịch thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Các dữ liệu lịch sử cho thấy, vào thế kỷ 14, dịch hạch càn quét khắp châu Âu và nhiều vùng châu Á, khiến 60% dân số châu Âu tử vong. Sự tàn phá khủng khiếp của dịch hạch thời kỳ đó đã khiến người ta khiếp sợ gọi nó bằng tên “Cái chết đen”.  Theo các chuyên gia lịch sử thời Trung Cổ, dịch hạch bùng phát trong thế kỷ XIV, mà đỉnh điểm là ở châu Âu từ năm 1346 đến năm 1351, đã khiến số lượng người chết ở châu Âu và châu Á lên tới 75-200 triệu người.